Thiết kế xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp có phải trình Sở Công Thương thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công không?
Vật liệu nổ công nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về vật liệu nổ như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ."
Và theo khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về vật liệu nổ công nghiệp như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
9. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự."
Như vậy, vật liệu nổ công nghiệp là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.
Thiết kế xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp
Kho vật liệu nổ công nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Thông tư 32/2019/TT-BCT quy định về kho VLNCN như sau:
- Quy định về phân loại kho VLNCN
+ Theo mức độ che phủ, kho VLNCN được chia thành:
++ Kho nổi là kho đặt trên mặt đất, không có lớp che phủ sát với tường kho bằng đất hoặc các loại vật liệu tương đương;
++ Kho ngầm là kho có lớp đất hoặc các loại vật liệu tương đương che phủ hoàn toàn và sát với tường kho. Chiều dày lớp phủ không nhỏ hơn 1,0 m;
++ Kho hầm lò là kho ngầm có chiều dày lớp phủ lớn hơn 15 m, gồm các buồng chứa VLNCN và các buồng phụ trợ nối thông với nhau bằng các đường lò;
++ Kho nửa ngầm là kho có phần nóc hoặc cửa kho hoặc phần bất kỳ của kho không được che phủ sát với tường kho bằng đất hoặc các loại vật liệu tương đương; chiều dày lớp phủ không nhỏ hơn 1,0 m.
+ Theo kết cấu xây dựng, các kho VLNCN được chia thành:
++ Kho cố định là kho có kết cấu vững chắc không di chuyển được;
++ Kho lưu động là kho có thể di chuyển được bao gồm các hòm, thùng chứa, container hoặc các kết cấu tương đương.
+ Theo nhiệm vụ, các kho VLNCN được chia thành:
++ Kho dự trữ là kho dự trữ quốc gia, kho dự trữ lưu thông và kho dự trữ của các tổ chức sản xuất;
++ Kho tiêu thụ là kho cấp phát VLNCN để sử dụng.
- Chỉ được sử dụng kho cố định làm kho dự trữ và chỉ được mở hòm VLNCN tại vị trí nằm bên ngoài ụ bảo vệ của nhà kho hoặc cách nhà kho lớn hơn 50 m.
- Phải trang bị điện thoại tại các trạm gác của kho VLNCN để đảm bảo liên lạc giữa các trạm gác với lãnh đạo tổ chức sử dụng kho VLNCN, cơ quan PCCC, công an địa phương.
- Kho VLNCN phải có mái che, cửa kín và luôn được khóa chắc chắn trừ khi cấp phát, kiểm tra. Đối với trường hợp nghỉ lễ hoặc tạm thời không sử dụng kho từ 12 giờ trở lên cửa phải được kẹp chì hoặc niêm phong. Kẹp chì, dấu niêm phong phải do người được giao quản lý kho VLNCN quản lý và phải có mẫu lưu tại trụ sở chính của tổ chức quản lý kho VLNCN.
- Phải lập lý lịch kho VLNCN theo quy định tại Phụ lục 9 của Quy chuẩn này.
- Sức chứa tối đa của kho VLNCN
+ Sức chứa lớn nhất của 01 nhà kho cố định không được lớn hơn:
++ 60 tấn thuốc nổ đối với trường hợp chứa thuốc nổ nhóm A;
++ 120 tấn thuốc nổ đối với trường hợp chứa thuốc nổ nhóm khác, trừ nhóm A, S.
+ Sức chứa lớn nhất của cụm kho dự trữ không được lớn hơn 3.000 tấn thuốc nổ, 7.500.000 kíp nổ, 1.500.000 m dây nổ.
+ Sức chứa lớn nhất của cụm kho tiêu thụ cố định kiểu nổi không được lớn hơn 720 tấn thuốc nổ, 500.000 kíp nổ, 300.000 m dây nổ.
+ Sức chứa lớn nhất của 01 kho lưu động không được lớn hơn 30 tấn thuốc nổ; sức chứa lớn nhất của cụm kho lưu động không được vượt quá 75 tấn thuốc nổ, 100.000 kíp nổ, 50.000 m dây nổ;
+ Sức chứa lớn nhất của 01 kho ngầm, kho hầm lò không được lớn hơn lượng tiêu thụ trong 07 ngày đêm đối với thuốc nổ và 12 ngày đêm đối với phụ kiện nổ. Trong mỗi buồng không được chứa lớn hơn 2,0 tấn thuốc nổ. Trong mỗi ngách không được chứa lớn hơn 400 kg thuốc nổ hoặc 15.000 kíp nổ.
- Bảo quản VLNCN trong cùng một kho
+ Cho phép bảo quản chung các nhóm VLNCN tương thích trong 01 nhà kho hoặc trong 01 buồng chứa. Bảng các nhóm VLNCN tương thích quy định tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này.
+ Không được bảo quản chung các nhóm VLNCN không tương thích trong 01 nhà kho hoặc 01 buồng chứa hoặc 01 hòm, thùng chứa. Các buồng được ngăn cách bằng bức tường dày không nhỏ hơn 22 cm và có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn 60 min hoặc ngăn cách bằng vách có vật liệu tương đương.
+ Trường hợp bảo quản VLNCN không tương thích trong các buồng sát nhau của 01 nhà kho, các hòm kíp nổ, đạn khoan phục vụ thăm dò khai thác dầu khí phải đặt trên giá và đặt gần tường phía ngoài (tường đối diện với tường ngăn cách buồng chứa thuốc nổ). Khối lượng VLNCN trong 01 buồng chứa không được lớn hơn 03 tấn thuốc nổ hoặc 1.000 viên đạn khoan phục vụ thăm dò khai thác dầu khí hoặc 10.000 kíp nổ.
- Tại khu vực kho tiêu thụ chỉ được cậy mở hoặc đóng lại các hòm chứa VLNCN làm bằng gỗ tại vị trí cách nhà kho không nhỏ hơn 15 m. Đối với các kho kiểu hầm lò chỉ được cậy mở hoặc đóng lại các hòm chứa VLNCN làm bằng gỗ tại vị trí cách ngách, buồng chứa VLNCN không nhỏ hơn 15 m. Việc cấp phát VLNCN chỉ được tiến hành trong buồng đệm của nhà kho hoặc trong buồng cấp phát VLNCN. Trường hợp chỉ có 01 buồng cấp phát VLNCN, phải thực hiện cấp phát thuốc nổ riêng và cấp phát kíp nổ riêng, không được để chung kíp nổ và thuốc nổ trong buồng cấp phát.
Phải sử dụng bàn có lót tấm cao su hoặc vật liệu tương đương dày 3,0 mm, xung quanh bàn phải có gờ bằng gỗ cao 2,0 cm để cấp phát kíp nổ. Phải có bàn riêng để cắt dây nổ, dây cháy chậm.
Trường hợp kho lưu động không có buồng đệm hoặc buồng cấp phát, việc cấp phát kíp nổ rời phải thực hiện tại nơi cách xa kho lớn hơn 15 m.
- Phải đặt biển báo “Nguy hiểm - Cấm lửa” tại vị trí cách kho lớn hơn 50 m trên các đường vào nơi bảo quản VLNCN.
- Kho bảo quản VLNCN phải cách xa đường điện cao áp trên không không nhỏ hơn 30 m theo chiều thẳng đứng tính từ điểm bất kỳ của nhà kho và phải có thỏa thuận với tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu công trình truyền tải điện trong trường hợp không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định tại khoản 7 Điều 5 của Quy chuẩn này.
Đường dây cao áp đi ngầm trong khu vực kho VLNCN phải tuân theo quy định của pháp luật về hành lang an toàn lưới điện cao áp.
- Phương tiện sử dụng động cơ đốt trong để vận chuyển, bốc dỡ VLNCN trong kho chứa VLNCN phải có cơ cấu dập tàn lửa từ ống xả và bộ phận che kín các bề mặt nóng, nhiệt độ cao. Đối với phương tiện vận chuyển, bốc dỡ sử dụng nguồn điện ắc quy, hệ thống điện phải thuộc loại phòng nổ hoặc được làm kín đạt chuẩn cấp bảo vệ IP từ 54 trở lên đối với các thiết bị điện không phải loại phòng nổ. Hết ca làm việc, không được để các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ trong kho VLNCN, phải di chuyển ra ngoài nhà kho với khoảng cách không nhỏ hơn 50 m.
- Không được đặt các thiết bị đốt điện hoặc đốt nhiên liệu hóa thạch, gỗ cách nhà kho VLNCN nhỏ hơn 50 m. Phải có bộ phận thu tàn lửa từ ống xả thiết bị đốt nhiên liệu hóa thạch, gỗ.
- Cho phép sử dụng đèn pin, đèn ắc quy dạng phòng nổ để chiếu sáng trong kho khi kiểm tra an toàn, hướng dẫn xuất nhập trong điều kiện không đủ ánh sáng. Điện áp của đèn pin, ắc quy không được lớn hơn 12 V. Sau khi kết thúc quá trình làm việc phải đưa đèn pin, đèn ắc quy ra ngoài khu vực kho theo quy định.
- Những yêu cầu cụ thể đối với từng loại kho và sắp xếp VLNCN trong kho được quy định tại Phụ lục 10 của Quy chuẩn này.
Thiết kế xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp có phải trình Sở Công Thương thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công không?
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì đối với dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) thì chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư như sau:
"Điều 12. Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư
..
3. Đối với các dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người quyết định đầu tư giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án khi không có cơ quan chuyên môn trực thuộc làm cơ quan chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Người quyết định đầu tư được giao cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ quan chủ trì thẩm định trong trường hợp có cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc."
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BCT thì:
"Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí (nếu có); hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn."
Như vậy, thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thiết kế xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp thuộc về Sở Công Thương. Bên cạnh đó, theo quy định về phân cấp công trình xây dựng tại 1.2.6.8 Phụ lục I ban hành theo Thông tư 06/2021/TT-BXD thì kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp được quy định là công trình dạng đặc biệt, cấp I hoặc cấp II. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải thực hiện giám sát, kiểm tra công tác nghiệm thu, quản lý chất lượng công trình xây dựng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?