Thiệt hại gia súc gia cầm và thủy hải sản do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt, kê khai số lượng chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) ban đầu theo mẫu nào?
- Mẫu bản kê khai số lượng chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) ban đầu dành cho hộ sản xuất bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt?
- Hộ sản xuất thực hiện chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt được hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu khi đáp ứng điều kiện gì?
- Mức hỗ trợ thiệt hại đối với nuôi thủy, hải sản và đối với nuôi gia súc, gia cầm do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt là bao nhiêu?
Mẫu bản kê khai số lượng chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) ban đầu dành cho hộ sản xuất bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì Mẫu bản kê khai số lượng chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) ban đầu dành cho hộ sản xuất bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt là Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, mẫu có dạng như sau:
TẢI VỀ Mẫu bản kê khai số lượng chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) ban đầu
Thiệt hại gia súc gia cầm và thủy hải sản do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt, kê khai số lượng chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) ban đầu theo mẫu nào? (Hình từ Internet)
Hộ sản xuất thực hiện chăn nuôi tập trung (hoặc nuôi trồng thủy sản) bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt được hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu khi đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định thì hộ sản xuất bị thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi tập trung và nuôi trồng thủy sản do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
(1) Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
(2) Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có).
+ Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.
+ Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
(3) Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
(4) Thời điểm xảy ra thiệt hại:
Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận.
Lưu ý: Về nguyên tắc hỗ trợ thì theo Điều 3 Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định:
- Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).
- Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.
- Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.
- Trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, hộ sản xuất chỉ được nhận hỗ trợ một chính sách phù hợp nhất.
Mức hỗ trợ thiệt hại đối với nuôi thủy, hải sản và đối với nuôi gia súc, gia cầm do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì mức hỗ trợ thiệt hại đối với nuôi thủy, hải sản và đối với nuôi gia súc, gia cầm do bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt được quy định cụ thể như sau:
(1) Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản:
- Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha;
- Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/ha;
- Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 6.100.000 - 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/ha;
- Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha;
- Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40.500.000 - 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng/ha;
- Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha;
- Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng /100 m3 lồng;
- Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha;
- Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 35.500.000 - 50.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 15.000.000 - 35.000.000 đồng/ha;
- Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 15.500.000 - 20.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng/100 m3 lồng;
- Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha.
(2) Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:
- Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con;
- Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;
- Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 - 10.000.000 đồng/con;
- Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.100.000 - 6.000.000 đồng/con;
- Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1.000.000 - 2.500.000 đồng/con.
Lưu ý:
(1) Các loại vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
(2) Trình tự, thủ tục hỗ trợ và hồ sơ xin hỗ trợ được quy định tại Điều 6 Nghị định 02/2017/NĐ-CP như sau:
Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo quy định.
- Hồ sơ xin hỗ trợ:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có);
+ Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.
- Thời hạn giải quyết hồ sơ:
Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp (đối với dịch bệnh) hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp (đối với thiên tai) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?