Thành viên tổ hợp tác có phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình hay không? Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác gồm những gì?
Thành viên tổ hợp tác có phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình hay không?
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác như sau:
Nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác
1. Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.
2. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
3. Thực hiện các quy định trong hợp đồng hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác.
4. Góp đủ và đúng thời hạn tài sản, công sức đã cam kết tại hợp đồng hợp tác.
5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, tại Điều 509 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác như sau:
Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác
Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, theo quy định trên đây, thành viên tổ hợp tác sẽ chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung. Tuy nhiên, nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác.
Trách nhiệm của thành viên tổ hợp tác (Hình từ Internet)
Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác bao gồm những gì?
Theo Điều 506 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác như sau:
Tài sản chung của các thành viên hợp tác
1. Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.
Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại.
2. Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.
Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.
Bên cạnh đó, tại Điều 22 Nghị định 77/2019/NĐ-CP có quy định cụ thể thêm về tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, tài chính của tổ hợp tác như sau:
Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, tài chính của tổ hợp tác
1. Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác hình thành từ các nguồn:
a) Đóng góp của thành viên tổ hợp tác bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản;
b) Phần được trích từ hoa lợi, lợi tức sau thuế;
c) Các thành viên tổ hợp tác cùng tạo lập;
d) Hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức khác tài trợ, tặng, cho chung;
đ) Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc định đoạt tài sản, tài chính của tổ hợp tác do các thành viên tổ hợp tác quyết định theo quy định tại Điều 21 Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp tổ hợp tác được Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác trao quyền hưởng dụng tài sản thì thực hiện quyền hưởng dụng theo quy định từ Điều 257 đến Điều 266 Bộ luật dân sự.
4. Tổ hợp tác thực hiện các quy định về tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật.
Theo đó, những tài sản sau đây sẽ được coi là tài sản chung của thành viên tổ hợp tác:
- Đóng góp của thành viên tổ hợp tác bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản;
- Phần được trích từ hoa lợi, lợi tức sau thuế;
- Các thành viên tổ hợp tác cùng tạo lập;
- Hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức khác tài trợ, tặng, cho chung;
- Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Thành viên tổ hợp tác có thể đóng góp bằng những gì?
Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phần đóng góp của thành viên tổ hợp tác
1. Các thành viên tổ hợp tác có thể đóng góp bằng tài sản, công sức vào tổ hợp tác tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác. Việc xác định giá trị tài sản và công sức của thành viên tổ hợp tác góp vào tổ hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận hoặc do bên thứ ba xác định theo sự ủy quyền của một trăm phần trăm (100%) tổng số thành viên tổ hợp tác.
2. Trường hợp thành viên tổ hợp tác cam kết đóng góp không góp đủ và không đúng hạn phần đóng góp đã cam kết thì xử lý theo quy định từ Điều 351 đến Điều 364 của Bộ luật dân sự.
Như vậy, các thành viên tổ hợp tác có thể đóng góp bằng tài sản, công sức vào tổ hợp tác tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác.
Tải một số Mẫu dùng cho tổ hợp tác tại đây:
- Mẫu hợp đồng hợp tác mới nhất tại đây
- Mẫu thông báo thay đổi tổ hợp tác mới nhất tại đây
- Mẫu thông báo về việc thành lập tổ hợp tác mới nhất tại đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.