Thành phố trực thuộc trung ương là gì? Việt Nam đang đang có những thành phố trực thuộc trung ương nào?
Thành phố trực thuộc trung ương là gì?
Thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền nhà nước ở trung ương có các đơn vị trực thuộc là các quận, huyện, thị xã.
Thành phố trực thuộc trung ương là các đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I, và được xác định là các đô thị trung tâm cấp quốc gia. Đây là các thành phố lớn, có nền kinh tế phát triển, là khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội là động lực phát triển cho cả quốc gia chứ không còn nằm bó hẹp trong một tỉnh, hay một vùng (liên tỉnh) nữa. Các thành phố này có cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ phát triển, có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao, dân cư đông, thuận lợi về giao thông vận tải.
Việt Nam hiện có 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm:
- Hà Nội
- Thành phố Hồ Chí Minh
- Hải Phòng
- Đà Nẵng
- Cần Thơ
Ngoài 05 thành phố này, thì hiện nay đang có nhiều tỉnh đang được Trung ương định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới (như Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế,…).
Đây là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.
Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh (Theo Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019).
Thành phố trực thuộc trung ương (Hình từ Internet)
Thành phố trực thuộc trung ương phải có số dân và diện tích như thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính?
Thành phố trực thuộc trung ương phải có số dân và diện tích để đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được quy định tại Điều 4 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, được sửa đổi bởi khoản 4, khoản 20 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 như sau:
Tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương
1. Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
3. Đơn vị hành chính trực thuộc:
a) Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên;
b) Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.
4. Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
5. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Như vậy, thành phố trực thuộc trung ương phải có số dân và diện tích như sau:
- Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên.
- Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
Bên cạnh đó thì thành phố trực thuộc trung ương phải có đơn vị hành chính trực thuộc:
- Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên;
- Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.
Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng những tiêu chuẩn được quy định tại Phụ luc ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, khoản 19 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 như sau:
- Cân đối thu chi ngân sách: Đủ
- Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước (lần): 1,75
- Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước
- Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 90%
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 90%
Và cách tính điểm trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, khoản 18 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 như sau:
Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương
...
4. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 20% trở xuống được tính 10 điểm; trên 20% thì cứ thêm 1% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 15 điểm;
b) Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 70% trở xuống được tính 1 điểm; trên 70% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
c) Thu nhập bình quân đầu người từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
d) Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
đ) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 65% trở xuống được tính 1 điểm; trên 65% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
e) Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
g) Tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 0,5 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1,5 điểm;
h) Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 0,5 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1,5 điểm;
i) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ mức bình quân chung cả nước trở lên được tính 1 điểm; dưới mức bình quân chung cả nước thì cứ giảm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tố tụng hình sự là gì? Ai ban hành Bộ luật Tố tụng Hình sự? 27 nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Tố tụng Hình sự?
- Tốc độ tối đa của xe buýt từ 2025 theo Thông tư 38/2024 là bao nhiêu? Có những loại xe cơ giới nào?
- Thời điểm bổ nhiệm tổ trưởng tổ chuyên môn trường trung học cơ sở? Tổ chuyên môn có tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên không?
- Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến hay, chọn lọc? Năm học 2024 2025, học sinh các cấp sẽ học theo chương trình mới đúng không?
- Trầm cảm là gì? Dấu hiệu trầm cảm là gì? Biến chứng nguy hiểm nhất của trầm cảm là gì theo Bộ Y tế?