Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia có phải tài sản công không, do ai quản lý? Khi Nhà nước có quyết định thu hồi thì có cần bàn giao lại không?
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia có phải tài sản công hay không?
- Đối tượng nào được phép quản lý tài sản kết cấu hạ tầng?
- Đối tượng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có những quyền và nghĩa vụ nào?
- Có bắt buộc phải bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng khi Nhà nước ra quyết định thu hồi không?
Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia có phải tài sản công hay không?
Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia
Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định:
“1. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.”
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cũng quy định:
“Điều 4. Phân loại tài sản công
Tài sản công tại Luật này được phân loại như sau:
…
2. Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng);”
Như vậy, tài sản kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ lợi ích quốc gia được xem là một loại tài sản công theo quy định của pháp luật.
Đối tượng nào được phép quản lý tài sản kết cấu hạ tầng?
Điều 75 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 liệt kê những đối tượng được Nhà nước giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng gồm:
- Cơ quan nhà nước.
- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đơn vị sự nghiệp công lập.
- Doanh nghiệp.
- Đối tượng khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối tượng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có những quyền và nghĩa vụ nào?
Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng quy định tại khoản 1 và 2 Điều 76 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 như sau:
Quyền của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng
- Quyết định biện pháp bảo vệ, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan;
- Được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp;
- Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng
- Lập, quản lý hồ sơ; hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán;
- Thực hiện chế độ báo cáo và công khai về tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật này;
- Thực hiện biện pháp duy trì, phát triển, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng theo chế độ quy định;
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật;
- Bàn giao lại tài sản kết cấu hạ tầng khi Nhà nước có quyết định thu hồi;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 76 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, đối tượng khác quy định tại Điều 75 của Luật này như sau:
- Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác tài sản được Nhà nước giao quản lý;
- Giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản được giao quản lý;
- Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng;
- Chấp hành quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản đúng mục đích, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Có bắt buộc phải bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng khi Nhà nước ra quyết định thu hồi không?
Theo đó, dựa vào quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 76 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 nêu trên, đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có nghĩa vụ phải bàn giao lại tài sản kết cấu hạ tầng khi Nhà nước có quyết định thu hồi. Quy trình, thủ tục bàn giao được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tài sản kết cấu hạ tầng là một loại tài sản công theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cũng quy định về đối tượng được giao quản lý, quyền và nghĩa vụ của những đối tượng này trong công tác quản lý tài sản công. Trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi, đối tượng đang quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng đó có nghĩa vụ bàn giao lại đúng theo quy định của Nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?