Tai nạn lao động xảy ra do hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Tai nạn mà không gây chết người trong thực hiện công việc có được xem là tai nạn lao động không?
- Hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây tai nạn người lao động có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
- Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định thế nào?
Tai nạn mà không gây chết người trong thực hiện công việc có được xem là tai nạn lao động không?
Theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Theo đó, tai nạn mà không gây chết người trong thực hiện công việc thì vẫn được xem là tai nạn lao động
Hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây tai nạn người lao động có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không thống kê tai nạn lao động; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, mức phạt đối với cá nhân có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định thế nào?
Tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (trường hợp này yêu cầu văn bản theo yêu cầu từ đơn vị)
+ Trên tuyến đường đi từ nơi làm về nhà và về từ nhà đến nơi làm việc. Việc di chuyển phải được thực hiện trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên bị tai nạn trong các trường hợp nêu trên.
Tuy nhiên, người lao động sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Bị tai nạn do mâu thuẫn giữa người bị tai nạn lao động và người gây ra tai nạn, không liên quan đến việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động theo quy định.
- Người lao động cố tình, cố ý hủy hoại bản thân
- Do người lao động sử dụng các chất kích thích, chất ma túy, chất gây nghiện theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị định 177/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng ra sao?
- Sau ngày 1 1 2025 mới cập nhật sinh trắc học được không? Hướng dẫn xác thực sinh trắc học 1 1 2025?
- Nghị định 163/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông như thế nào?
- Nghị định 172 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản từ ngày 1/1/2025 như thế nào?
- Cho trẻ em xem phim hoạt hình 18+ gây rối loạn tâm thần và hành vi của trẻ thì bị phạt mấy năm tù?