Tải mẫu bảng kê khai thông tin người lao động mới nhất? Bảng kê khai thông tin người lao động là gì?
Bảng kê khai thông tin người lao động là gì?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản có liên quan không quy định khái niệm "Bảng kê khai thông tin người lao động" là gì.
Trên thực tế, "Bảng kê khai thông tin người lao động" có thể hiểu là một tài liệu mà các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng để ghi chép, thống kê các thông tin cá nhân, nghề nghiệp và các chi tiết liên quan đến người lao động làm việc tại đơn vị của mình.
Bảng kê khai này giúp các doanh nghiệp quản lý hồ sơ lao động, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của cơ quan nhà nước về báo cáo lao động và thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân, hoặc các quy định khác.
(Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Tải mẫu bảng kê khai thông tin người lao động mới nhất? Trách nhiệm quản lý lao động?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản có liên quan không quy định mẫu bảng kê khai thông tin người lao động là mẫu nào, theo đó, các công ty, doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu bảng kê khai thông tin người lao động sau đây:
TẢI VỀ Mẫu bảng kê khai thông tin người lao động
Tải mẫu bảng kê khai thông tin người lao động mới nhất? Bảng kê khai thông tin người lao động là gì? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Lao động 2019, trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động được quy định cụ thể như sau:
(1) Lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
(2) Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Việc lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
(2) Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử nhưng phải bảo đảm các thông tin cơ bản về người lao động, gồm:
+ Họ tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
+ Trình độ chuyên môn kỹ thuật; bậc trình độ kỹ năng nghề; vị trí việc làm; loại hợp đồng lao động; thời điểm bắt đầu làm việc; tham gia bảo hiểm xã hội;
+ Tiền lương; nâng bậc, nâng lương; số ngày nghỉ trong năm; số giờ làm thêm; học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;
+ Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.
(3) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thể hiện, cập nhật các thông tin quy định tại khoản (2) kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc; quản lý, sử dụng và xuất trình sổ quản lý lao động với cơ quan quản lý về lao động và các cơ quan liên quan khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động được quy định ra sao?
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
(1) Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
- Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
- Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em mới nhất? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định?
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh thì thời gian nộp lệ phí môn bài khi hết thời gian được miễn như thế nào?
- Định mức thiết bị là gì? Định mức thiết bị trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được xác định như thế nào?
- Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng cơ sở trợ giúp xã hội mới nhất theo Thông tư 11? Hồ sơ xếp hạng gồm gì?
- Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu theo Nghị định 168 mới nhất?