Sổ tiết kiệm chỉ đứng tên 1 người là tài sản chung hay riêng của vợ chồng? Sổ tiết kiệm đứng tên chồng, vợ muốn rút tiền phải làm thế nào?
Sổ tiết kiệm chỉ đứng tên 1 người là tài sản chung hay riêng của vợ chồng?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
...
Theo khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
...
Theo quy định trên, để xác định sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng cần xác định các yếu tố sau đây:
- Thời điểm hình thành tài sản: Trong thời kỳ hôn nhân hay trước khi hai vợ chồng kết hôn.
- Quyền sở hữu: Thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay là tài sản thuộc sở hữu của một mình chồng hoặc vợ.
- Nguồn gốc hình thành: Được tặng cho riêng, thừa kế riêng (tài sản riêng) hoặc được tặng cho chung, thừa kế chung (tài sản chung).
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN có quy định như sau:
Thẻ tiết kiệm
1. Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm (sau đây gọi chung là Thẻ tiết kiệm) là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.
Do đó, để xác định sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng cần xác định số tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng căn cứ vào các đặc điểm như trên.
Bởi sổ tiết kiệm là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với tiền gửi (động sản) nên thực tế rất khó xác định số tiền này là tài sản chung hay tài sản riêng trừ trường hợp có chứng cứ cụ thể như:
- Có hợp đồng tặng cho, văn bản thừa kế thể hiện rõ tặng cho, thừa kế chung hay riêng cho vợ, chồng.
- Thời điểm hình thành số tiền trong sổ tiết kiệm là trước hay sao khi kết hôn, có thoả thuận nhập tài sản chung hay phân chia tài sản chung vợ chồng không...
Như vậy, không thể khẳng định sổ tiết kiệm chỉ đứng tên một người là tài sản riêng của vợ chồng được mà còn phải dựa vào các yếu tố (thời điểm hình thành, nguồn gốc hình thành...).
Sổ tiết kiệm chỉ đứng tên 1 người là tài sản chung hay riêng của vợ chồng? Sổ tiết kiệm đứng tên chồng, vợ muốn rút tiền phải làm thế nào?(Hình ảnh từ Internet)
Sổ tiết kiệm đứng tên chồng, vợ muốn rút tiền phải làm thế nào?
Đối với trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng:
Để rút được tiền trong sổ tiết kiệm, vợ phải cung cấp các giấy tờ chứng minh tài sản chung của hai vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như văn bản thỏa thuận sổ tiết kiệm là tài sản chung có công chứng.
Tuy nhiên, dù chứng minh được thì người vợ cũng chỉ được rút số tiền tương ứng với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng.
Nếu muốn rút cả thì cũng phải được người vợ uỷ quyền hoặc cả hai vợ chồng cùng đến ngân hàng để làm thủ tục.
Đối với trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng:
Nếu sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng thì vợ không có quyền được rút số tiền trong sổ tiết kiệm này.
Vợ muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng, chỉ được thực hiện trong hai trường hợp sau:
- Chồng ủy quyền cho vợ đến ngân hàng để thực hiện giao dịch rút tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên chồng.
+ Trong trường hợp này, người vợ phải cung cấp các hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN để được rút tiền tiết kiệm.
+ Các giấy tờ bao gồm: sổ tiết kiệm, giấy tờ chứng minh nhân thân của người đứng tên trên sổ tiết kiệm (CMND/CCCD/hộ chiếu...) của người được uỷ quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm, và giấy uỷ quyền.
Lưu ý, người vợ chỉ được rút số tiền tương ứng nêu tại giấy ủy quyền của chồng.
- Rút tiền theo hình thức thừa kế: Ngoài trường hợp ủy quyền, người vợ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng khi người chồng qua đời, để lại di chúc hoặc không để lại di chúc và số tiền tiết kiệm là di sản chồng để lại được chia theo quy định.
Với trường hợp này, những người đồng thừa kế sẽ lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc có Bản án của Toà án về giải quyết tranh chấp di sản thừa kế.
Vợ và những người đồng thừa kế cần cung cấp các giấy tờ cho ngân hàng để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm gồm: sổ tiết kiệm, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án về phân chia di sản thừa kế, giấy chứng tử của chồng, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với chồng (đã mất).
Thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng được quy định như thế nào?
Thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN cụ thể như sau:
- Tổ chức tín dụng đề nghị người gửi tiền thực hiện các thủ tục sau:
+ Xuất trình Thẻ tiết kiệm;
+ Xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền, của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung). Trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền;
+ Nộp giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng. Đối với người gửi tiền là người không viết được, người không đọc được, người không nhìn được: người gửi tiền thực hiện theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tín dụng đối chiếu thông tin của người gửi tiền, thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, thông tin trên Thẻ tiết kiệm, chữ ký trên giấy rút tiền đảm bảo chính xác với các thông tin lưu tại tổ chức tín dụng.
- Sau khi tổ chức tín dụng và người gửi tiền hoàn thành các thủ tục quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, tổ chức tín dụng thực hiện việc chi trả đầy đủ gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm cho người gửi tiền.
- Tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục chi trả đối với các trường hợp chi trả sau đây phù hợp với quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng:
+ Chi trả tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế;
+ Chi trả tiền gửi tiết kiệm theo ủy quyền của người gửi tiền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi thấy người tiêu dùng bị ép buộc mua hàng hóa thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý không?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?