Sổ quản lý lao động là gì? Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hay bản điện tử? Bắt đầu lập sổ quản lý lao động vào ngày nào?
Sổ quản lý lao động là gì? Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hay bản điện tử?
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào nêu rõ khái niệm sổ quản lý lao động là gì, tuy nhiên, có thể hiểu sổ quản lý lao động là loại tài liệu quan trọng do người sử dụng lao động lập ra nhằm theo dõi tình hình tuyển dụng và quản lý, sử dụng lao động trong doanh nghiệp.
*Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hay bản điện tử thì căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động
1. Lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chiếu theo quy định trên, sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc có thể lập theo bản điện tử.
Theo đó, sổ quản lý lao động phải được xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Sổ quản lý lao động là gì? Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hay bản điện tử? Bắt đầu lập sổ quản lý lao động vào ngày nào? (Hình từ Internet)
Bắt đầu lập sổ quản lý lao động vào ngày nào? Thông tin nào của người lao động phải có trong sổ quản lý lao động?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về sổ quản lý lao động như sau:
Sổ quản lý lao động
Việc lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động tại khoản 1 Điều 12 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử nhưng phải bảo đảm các thông tin cơ bản về người lao động, gồm: họ tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; trình độ chuyên môn kỹ thuật; bậc trình độ kỹ năng nghề; vị trí việc làm; loại hợp đồng lao động; thời điểm bắt đầu làm việc; tham gia bảo hiểm xã hội; tiền lương; nâng bậc, nâng lương; số ngày nghỉ trong năm; số giờ làm thêm; học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thể hiện, cập nhật các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc; quản lý, sử dụng và xuất trình sổ quản lý lao động với cơ quan quản lý về lao động và các cơ quan liên quan khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Theo quy định nêu trên thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Do đó, người sử dụng lao động có thể lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện vào bất kỳ ngày nào nhưng phải đảm bảo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động.
Theo đó, các thông tin của người lao động phải có trong sổ quản lý lao động gồm:
- Họ tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật; bậc trình độ kỹ năng nghề; vị trí việc làm; loại hợp đồng lao động;
- Thời điểm bắt đầu làm việc; tham gia bảo hiểm xã hội; tiền lương; nâng bậc, nâng lương; số ngày nghỉ trong năm; số giờ làm thêm;
- Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;
- Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.
Lưu ý:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thể hiện, cập nhật các thông tin nêu trên kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc; quản lý, sử dụng và xuất trình sổ quản lý lao động với cơ quan quản lý về lao động và các cơ quan liên quan khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động là gì?
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động được quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
(1) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
(2) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
(3) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
(4) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
(5) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?
- Đảng viên phải tự kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên trước chi bộ vào cuối năm đúng không?
- Có trở thành công ty đại chúng khi chưa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng? Phải đăng ký cổ phiếu tập trung tại đâu?