Sẽ ban hành Quy chế và Nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong quý 02/2023 đúng không?
Sẽ có Thông tư ban hành Quy chế và Nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong quý 02/2023 đúng không?
Căn cứ Quyết định 308/QĐ-BNV năm 2023 về Kế hoạch triển khai Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức do Bộ Nội vụ ban hành ngày 21/04/2023.
Tại Kế hoạch triển khai ban hành kèm theo Quyết định 308/QĐ-BNV năm 2023, Bộ Nội vụ đã xác định 05 nội dung thực hiện bao gồm:
- Xây dựng Thông tư
- Thành lập Hội đồng xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án
- Xây dựng phần mềm kiểm định
- Thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức và Ban giám sát kỳ thi
- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn
Trong đó, tại nội dung "Xây dựng Thông tư", Bộ Nội vụ giao Vụ Công chức - Viên chức chủ trì, phối hợp xây dựng Thông tư ban hành Quy chế và Nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Thời gian hoàn thành dự kiến là trong quý 02/2023.
Sẽ ban hành Quy chế và Nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong quý 02/2023 đúng không?
Nội dung kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm những gì?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định
1. Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
2. Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
3. Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định:
a) Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu.
b) Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.
Theo đó, nội dung kiểm định chất lượng đầu vào công chức bao gồm:
- Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn;
- Hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước;
- Quản lý hành chính nhà nước;
- Quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ;
- Kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
Thời gian tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức là khi nào? Nguyên tắc thực hiện ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP như sau:
Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức
1. Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
2. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
3. Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
4. Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định này và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP nêu trên, thời gian tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được là định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Về nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Điều 2 Nghị định 06/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức
1. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:
a) Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
b) Bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
c) Kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
d) Không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh.
đ) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Như vậy, việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tuân theo những nguyên tắc tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2023/NĐ-CP nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh là gì? Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh biểu quyết và quyết nghị những vấn đề nào?
- Hợp đồng tương lai chỉ số có được giao dịch vào thứ Bảy? Nguyên tắc xác định giá khớp lệnh liên tục của hợp đồng tương lai chỉ số là gì?
- Bảo đảm dự thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi áp dụng đối với gói thầu nào? Mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu là bao nhiêu?
- Mỗi xe nâng hàng phải có sổ theo dõi quá trình bảo trì? Yêu cầu của đơn vị bảo trì xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên là gì?
- Thanh tra thuế là gì? Được gia hạn thời hạn thanh tra thuế trong các trường hợp nào theo quy định?