Quy hoạch xây dựng được quy định thế nào? Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng?
Quy hoạch xây dựng được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 13 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), quy hoạch xây dựng được quy định như sau:
(1) Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
(2) Quy hoạch đô thị là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
(3) Quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Xây dựng 2014.
(4) Căn cứ lập quy hoạch xây dựng bao gồm:
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển;
- Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;
- Quy hoạch thời kỳ trước;
- Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và quy chuẩn khác có liên quan;
- Bản đồ, tài liệu, số liệu về hiện trạng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương.
Quy hoạch xây dựng được quy định thế nào? Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng? (Hình từ Internet)
Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng gồm những gì?
Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng được quy định tại Điều 14 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 3 và điểm b khoản 18 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), cụ thể như sau:
(1) Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng gồm:
- Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững; công khai, minh bạch, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân;
- Tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn phát triển;
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm sự kết nối, thống nhất công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực, vùng, quốc gia và quốc tế;
- Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật;
- Xác lập cơ sở cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong vùng, khu chức năng, khu vực nông thôn.
(2) Nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng gồm:
- Việc thực hiện chương trình, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan phải tuân thủ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phù hợp với nguồn lực huy động;
- Cấp độ quy hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn.
Ai có trách nhiệm rà soát quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt?
Ai có trách nhiệm rà soát quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt thì căn cứ quy định tại Điều 15 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) như sau:
Rà soát quy hoạch xây dựng
1. Quy hoạch xây dựng phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Định kỳ rà soát đối với quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện là 10 năm, đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu là 05 năm, đối với quy hoạch chi tiết là 03 năm kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm rà soát quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
3. Kết quả rà soát quy hoạch xây dựng phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng để xem xét, quyết định.
Như vậy, theo quy định, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm rà soát quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Theo đó, kết quả rà soát quy hoạch xây dựng phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng để xem xét, quyết định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản? Thuế tài nguyên có khai quyết toán thuế hằng năm không?
- Người tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình những gì?
- Việc đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được quy định thế nào? Quy định về việc quản lý các vấn đề liên quan đến tài khoản?
- Thu hồi sản phẩm là gì? Khi thông báo bằng văn bản về việc thu hồi sản phẩm thì chủ sản phẩm có trách nhiệm gì?
- Trong tố tụng hình sự, người bào chữa có thể đồng thời là người giám định trong cùng một vụ án hình sự không?