Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm những gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý dự án đầu tư xây dựng?
Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm những gì?
Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 66 Luật Xây dựng 2014 như sau:
Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện hoặc giao Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án, tổng thầu (nếu có) thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung quản lý dự án quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định.
Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm những gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý dự án đầu tư xây dựng? (hình từ internet)
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 68 Luật Xây dựng 2014 như sau:
(1) Chủ đầu tư có các quyền sau:
- Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định Luật Xây dựng 2014;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;
- Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;
- Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
- Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định Luật Xây dựng 2014;
- Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
- Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;
- Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 Luật Xây dựng 2014;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng được thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án không?
Căn cứ theo Điều 69 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các quyền sau:
a) Thực hiện quyền quản lý dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư;
b) Đề xuất phương án, giải pháp tổ chức quản lý dự án, kiến nghị với chủ đầu tư giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền;
c) Thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận.
2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư về quản lý dự án trong phạm vi được ủy quyền;
b) Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong xây dựng;
c) Báo cáo công việc với chủ đầu tư trong quá trình quản lý dự án;
d) Chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật trong quản lý thực hiện dự án;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng được thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp huyện nhằm mục đích gì?
- Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực bao lâu? Lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo Nghị định 175?
- 04 Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư? Quỹ Hỗ trợ đầu tư áp dụng từ năm tài chính nào?
- Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng bị thu hồi khi nào theo Nghị định 175? Điều kiện chung về kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ?
- Có thể mua bán một sản phẩm phần mềm hay không? Phần mềm công cụ có phải là một loại sản phẩm phần mềm?