Nợ xấu CIC bao lâu được xoá? Khách hàng vay cần làm gì để xoá lịch sử nợ xấu CIC theo quy định mới?
Nợ xấu CIC bao lâu được xoá?
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng trả theo thỏa thuận ban đầu. Điều này thường xảy ra vì nhiều nguyên nhân, có thể vì người vay quên hoặc hoặc đơn vị cho vay đánh giá sai hiệu quả phương án cho vay, thời hạn cho vay.
Đối với người vay, khoản nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn có thể tạo ra tác động tiêu cực đến điểm tín dụng và khả năng vay mượn trong tương lai.
Căn cứ Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ được phân loại thành 05 nhóm gồm:
Nợ Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 2 (Nợ cần chú ý),
Nợ Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ),
Nợ Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) .
Đồng thời, khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN khẳng định:
Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5
Như vậy, nếu nợ của khách hàng chỉ nằm trong Nhóm 1 và Nhóm 2 thì vẫn là nợ tiêu chuẩn, có khả năng thu hồi và chỉ khi thuộc Nhóm 3, 4, 5 thì mới bị phân vào nhóm nợ xấu, cần theo dõi và sau này sẽ khó vay được tại các ngân hàng cũng như công ty tài chính khác.
Thông tin về nợ xấu sẽ được cập nhật, lưu giữ và bảo mật để khai thác, sử dụng trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (Credit Information Centre, sau đây gọi là CIC).
Thời gian lưu giữ và cung cấp lịch sử nợ xấu CIC là bao lâu?
Về thời gian lưu giữ và cung cấp lịch sử nợ xấu trên CIC, khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định như sau:
Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ quy định này có thể thấy, thông tin nợ xấu của khách hàng vay sẽ được CIC cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm.
Tuy nhiên, căn cứ chính sách cung cấp thông tin của CIC, nếu khách hàng có nợ xấu với dư nợ dưới 10 triệu đồng thì CIC sẽ ngừng cung cấp thông tin ngay sau khi khách hàng tất toán và thông tin tất toán được ngân hàng báo cáo.
Như vậy, lịch sử nợ xấu của khách hàng sẽ được CIC cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm. Sau khoảng thời gian này, khách hàng có thể sẽ được cho vay tiếp. Tuy nhiên, thực tế khả năng được vay tiếp khá thấp.
Với khoản dư nợ dưới 10 triệu đồng thì thông tin nợ xấu sẽ được xoá ngay sau khi tất toán và tổ chức tín dụng báo cáo với CIC.
Nợ xấu CIC bao lâu được xoá? (Hình từ Internet)
Khách hàng vay cần làm gì để xoá lịch sử nợ xấu CIC?
Việc xoá nợ xấu là một trong những cách vô cùng cần thiết để tăng khả năng khách hàng có thể vay vốn tại ngân hàng hoặc công ty tài chính nếu trước đó có lỡ vướng vào nợ xấu.
Do đó, trước khi thực hiện vay tiền tại ngân hàng, khách hàng có thể tự mình hoặc liên hệ trực tiếp đến ngân hàng để kiểm tra tình trạng nợ của mình trên hệ thống CIC.
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định:
"Tổ chức tự nguyện thực hiện cung cấp cho CIC toàn bộ hoặc một phần Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này trên cơ sở thỏa thuận với CIC, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bảo mật và các quy định khác của pháp luật."
Nói dễ hiểu là các ngân hàng tự nguyện cung cấp về nhóm nợ, số tiền, số ngày và số lần quá hạn... cho CIC.
Bởi vậy, nếu muốn được xoá nợ xấu, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để tất toán khoản nợ gốc và lãi suất (nếu vẫn còn dư nợ) hoặc yêu cầu ngân hàng cập nhật thông tin về dư nợ cho CIC để cập nhật trên hệ thống.
Nếu sau khi kiểm tra tình trạng nợ xấu CIC cho kết quả sai sót thì theo Điều 18 Thông tư 03/2013/TT-NHNN, khách hàng có thể gửi yêu cầu khiếu nại để kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin thực hiện như sau:
- Nơi gửi yêu cầu: CIC hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Hồ sơ: Gửi yêu cầu thông qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh sai sót về thông tin lịch sử nợ xấu của mình.
- Thời gian giải quyết:
+ Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại: Thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu bổ sung thông tin (nếu có) để xác minh, giải quyết.
+ Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại hợp lê: Xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót, thông báo cho khách hàng vay. Có thể kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay về lý do kéo dài.
+ Trong 02 ngày làm việc kể từ khi có kết quả, khách hàng vay sẽ được thông báo về kết quả giải quyết. Nếu thông tin sai sót gây bất lợi cho khách hàng thì CIC phải thông báo đính chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?