Những người nào có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp? Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền và nghĩa vụ gì?
Giữ người trong trường hợp khẩn cấp được áp dụng khi nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp quy định sau:
- Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
- Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Ai có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp?
Những người nào có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp?
Theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, theo đó:
Những người sau đây là người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
- Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền và nghĩa vụ gì?
Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền và nghĩa vụ như sau:
(1) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền:
- Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
- Được biết lý do mình bị giữ;
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định;
- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người.
(2) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có nghĩa vụ:
Chấp hành lệnh giữ người và yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền giữ người theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp là gì?
Căn cứ theo Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, theo đó:
Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp là:
(1) Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
(2) Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.
- Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết; nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
- Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.
(3) Trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho cơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất.
Trên đây là những quy định pháp luật mới nhất liên quan đến thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyền và nghĩa vụ gì của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?