Những hành vi nào được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp? Khai thác thủy sản không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Khai thác thủy sản là gì?
Căn cứ khoản 18 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 như sau:
“Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.”
Theo đó, chúng ta có thể hiểu, khai thác thủy sản là những hoạt động mà con người sử dụng các ngư cụ, ngư thuyền và ngư pháp để đánh bắt hoặc thực hiện các hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
Những hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017 về khai thác thủy sản bất hợp pháp:
“1. Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm:
a) Khai thác thủy sản không có giấy phép;
b) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
c) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
d) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
đ) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
e) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
g) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
h) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
i) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
k) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
l) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
m) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
n) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
o) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.”
Theo đó, ta có thể thấy được có rất nhiều hành vi được cho là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Trong đó có hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép.
Khai thác thủy sản trái phép
Khai thác thủy sản không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản:
“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;
b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;
b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm;
b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản trong trường hợp tái phạm.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Tịch thu ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Theo đó, hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép là một hành vi vi phạm pháp luật, đối với cá nhân có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền lên đến 70.000.000 đồng, với tổ chức vi phạm số tiền phạt có thể lên tới 140.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP). Ngoài ra còn có thể bị tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu ngư cụ, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng như một hình thức phạt bổ sung.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc đặt tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm? Trường CĐSP phải công khai giải trình thể hiện ở những hoạt động nào?
- 23 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự? Tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có bao gồm tranh chấp đất đai?
- Người tham gia đấu giá tài sản có quyền khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng đấu giá tài sản khi nào?
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?