Những ai không được làm người chứng kiến? Lời khai của người chứng kiến có được xem là chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không?
Người chứng kiến là ai?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người chứng kiến, theo đó người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Quyền và nghĩa vụ của người chứng kiến trong tố tụng hình sự?
Căn cứ theo khoản 3, khoản 4 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về người chứng kiến, theo đó người chứng kiến có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
(1) Người chứng kiến có quyền:
- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
- Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
- Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến;
- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.
(2) Người chứng kiến có nghĩa vụ:
- Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu;
- Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến;
- Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến;
- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Người có nhược điểm về tâm thần có được làm người chứng kiến hay không?
Những ai không được làm người chứng kiến?
Theo khoản 2 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về người chứng kiến như sau:
“2. Những người sau đây không được làm người chứng kiến:
a) Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;
c) Người dưới 18 tuổi;
d) Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.”
Theo đó, những người sau đây là người không được làm người chứng kiến:
- Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;
- Người dưới 18 tuổi;
- Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.
Như vậy, người có nhược điểm về tâm thần vẫn có thể được làm người chứng kiến nếu họ có khả năng nhận thức đúng sự việc. Trường hợp người do nhược điểm về tâm thần mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc thì mới không được làm người chứng kiến.
Chứng cứ là gì? Chứng cứ được thu thập từ những nguồn nào?
Căn cứ theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về chứng cứ như sau:
“Điều 86. Chứng cứ
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
Đồng thời, tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về nguồn chứng cứ, theo đó chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn sau đây:
- Vật chứng;
- Lời khai, lời trình bày;
- Dữ liệu điện tử;
- Kết luận giám định, định giá tài sản;
- Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
- Các tài liệu, đồ vật khác.
Lưu ý: Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Lời khai của người chứng kiến có được xem là chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không?
Theo Điều 97 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về lời khai của người chứng kiến như sau:
“Điều 97. Lời khai của người chứng kiến
Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng.”
Đồng thời, tại điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định lời khai là một trong những nguồn của chứng cứ.
Như vậy, lời khai của người chứng kiến có thể được xem là chứng cứ trong tố tụng hình sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chứng cứ theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cụ thể, lời khai của người chứng kiến phải là lời trình bày về những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng và đây phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Caption giáng sinh ngắn? Caption noel ý nghĩa? Lễ Giáng sinh người lao động nước ngoài có được nghỉ làm không?
- Đại hội Hội công chứng viên được triệu tập lần thứ 2 khi nào? Cơ quan chấp hành của Đại hội Hội công chứng viên là cơ quan nào?
- Ban Chấp hành Hội công chứng viên làm việc theo nguyên tắc gì? Hình thức bầu Ban Chấp hành Hội công chứng viên là gì?
- Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại truyện cổ tích ngắn gọn? Học sinh tiểu học có những quyền gì?
- Số lượng thành viên hội đồng trường cao đẳng sư phạm là số chẵn đúng không? Chủ tịch hội đồng trường có được kiêm nhiệm chức vụ quản lý?