Nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người nhặt được của rơi thì có được 'bỏ túi' hay không?
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào nhặt được của rơi (phát hiện tài sản do người khác đánh rơi) mà biết được địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó.
Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì người nhặt được của rơi phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
(1) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được của rơi được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
(2) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước. Người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người nhặt được của rơi thì không được 'bỏ túi' mà phải thực hiện theo quy định nêu trên.
Nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Hình từ Internet)
Nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 và điểm d khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, khi chủ sở hữu tài sản đánh rơi yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật mà người nhặt được của rơi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu và đòi tiền chuộc mới trả lại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản với hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi tài sản chiếm giữ có trị giá:
- Từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được.
Người phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại nhưng chưa tới mức truy cứu TNHS thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;
...
Như vậy, người nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại nhưng chưa tới mức truy cứu TNHS thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm và phải trả lại tài sản mình nhặt được cho chủ sở hữu.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.(Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại truyện cổ tích ngắn gọn? Học sinh tiểu học có những quyền gì?
- Số lượng thành viên hội đồng trường cao đẳng sư phạm là số chẵn đúng không? Chủ tịch hội đồng trường có được kiêm nhiệm chức vụ quản lý?
- Mẫu thông báo tuyển dụng nhân viên kế toán cuối năm là mẫu nào? Người lao động có phải trả chi phí cho việc tuyển dụng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho người yêu ý nghĩa? Lễ Giáng sinh Noel người lao động có được tạm ứng tiền lương không?
- Đảng viên, tổ chức đảng thiếu trách nhiệm là gì? Trường hợp nào chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật Đảng?