Nhà xưởng sản xuất hóa chất nguy hiểm có bắt buộc phải có các bảng và biển báo về hóa chất hay không?
Hóa chất như thế nào được xem là hóa chất nguy hiểm?
Tại tiểu mục 3.3 Mục I Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT quy định về hóa chất nguy hiểm quy định như sau:
"3.3. Hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây theo nguyên tắc phân loại của GHS: dễ nổ; ôxy hóa mạnh; ăn mòn mạnh; dễ chảy; độc cấp tính, độc mãn tính; gây kích ứng với con người; gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; gây biến đổi gen; độc đối với sinh sản; tích luỹ sinh học; ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; độc hại đến môi trường."
Theo đó, hóa chất có các tính chất, đặc điểm như quy định nêu trên thì được xem là hóa chất nguy hiểm.
Nhà xưởng sản xuất hóa chất nguy hiểm có cần phải có biển báo? (Hình từ Internet)
Khi làm việc và tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm thì cần phải đảm bảo tuân thủ những quy chuẩn kỹ thuật nào?
Căn cứ theo tiểu mục 3 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT quy định cụ thể về các yêu cầu khi làm việc, tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm như sau:
- Những người làm việc tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và các quy định hiện hành.
- Cơ sở có hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, vệ sinh lao động cho cán bộ công nhân viên.
- Có biện pháp kiểm soát người ra, vào nhà xưởng, kho chứa có hóa chất nguy hiểm và cung cấp danh sách những người có mặt tại khu vực cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất.
- Cơ sở hóa chất nguy hiểm phải có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn nội quy an toàn, cung cấp phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp cho khách đến làm việc tại cơ sở.
- Cơ sở có hóa chất nguy hiểm phải trang bị đầy đủ cho người lao động phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp với mức độ nguy hại của từng hóa chất và tính chất công việc ở tình trạng hoạt động tốt;
- Thực hiện kiểm tra định kỳ tối thiểu 01 lần 01 tháng, đảm bảo các thiết bị bảo hộ cá nhân luôn đầy đủ và trong điều kiện sử dụng. Cơ sở có hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm lưu giữ biên bản kiểm tra trong vòng 12 tháng và xuất trình cho cơ quan quản lý có thẩm quyền khi được yêu cầu.
- Cơ sở hóa chất nguy hiểm phải đạt yêu cầu về giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 50 yếu tố hóa học tại nơi làm việc quy định tại QCVN 03:2019/BYT và các quy định hiện hành về an toàn vệ sinh lao động.
Nhà xưởng sản xuất hóa chất nguy hiểm có bắt buộc phải có các bảng và biển báo hay không?
Theo tiểu mục 2 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT quy định đối với nhà xưởng, kho chứa, khu vực có hoạt động liên quan đến hóa chất nguy hiểm phải có các loại tài liệu, bảng, biển báo sau:
(1) Bảng nội quy về an toàn hóa chất đặt tại các cửa ra vào ở vị trí dễ thấy, dễ đọc:
(2) Sơ đồ thể hiện các vị trí lưu trữ, đường ống, băng chuyền vận chuyển hóa chất nguy hiểm, vị trí bố trí trang thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị ứng phó sự cố hóa chất, vị trí để dụng cụ y tế, đường, lối thoát hiểm (thoát nạn), điểm tập trung khi sơ tán của nhà xưởng, kho chứa, khu vực tại cửa ra vào ở vị trí dễ thấy, dễ đọc;
(3) Các biển báo phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc tại từng khu vực lưu trữ, thao tác với hóa chất nguy hiểm. Các biển báo phải thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất và có ít nhất các thông tin: hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì các biển báo nguy hiểm phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.
- Các biển báo nguy hiểm phải được thiết kế đảm bảo dễ nhận biết các hình đồ cảnh báo từ khoảng cách 5 m.
- Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2017/TT-BCT Quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất hoặc các quy định hiện hành về phân loại, ghi nhãn hóa chất;
(4) Sơ đồ thoát hiểm phải được đặt tại các khu vực lưu trữ, thao tác với hóa chất nguy hiểm và có nguy cơ xảy ra sự cố cao đảm bảo người lao động có thể đọc được tại vị trí làm việc và trên đường thoát hiểm.
- Sơ đồ thoát hiểm thể hiện các thông tin: đường, lối thoát hiểm (thoát nạn) phù hợp, vị trí để các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị ứng phó sự cố, thiết bị y tế;
(5) Quy trình ứng phó sự cố hóa chất, danh mục hóa chất và phiếu an toàn hóa chất phải được để nơi dễ thấy và dễ tiếp cận. Danh mục hóa chất phải thể hiện các thông tin về tên hóa chất, tên thương mại, phân loại, hình đồ cảnh báo, số lượng lưu trữ lớn nhất tại một thời điểm, khu vực lưu trữ.
Như vậy, nhà xưởng sản xuất hóa chất nguy hiểm bắt buộc phải có bảng, biển báo và các tài liệu theo quy định nêu trên nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?
- Mẫu Kế hoạch giải quyết tố cáo đảng viên của chi bộ? Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên nào?
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?