Nhà ở hình thành trong tương lai và quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng đối với loại bất động sản đặc biệt này?
Nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, theo đó nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Như vậy, khác với nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai có thể chưa được “tồn tại trong thực tế”. Nó được hiểu như việc rao bán trước những dự án, công trình, nhằm tạo điều kiện cho người mua “đặt cọc” một khu ở mới và thu trước của người mua một khoản tiền để phục vụ cho việc xây dựng dự án.
Nhà ở hình thành trong tương lai
Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh
Để được đưa vào kinh doanh, nhà ở hình thành trong tương lai đòi hỏi phải thỏa mãn những điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cụ thể như sau:
- Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
- Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.
Hợp đồng bảo lãnh khi mua nhà ở hình thành trong tương lai
Nhà ở hình thành trong tương lai là loại tài sản mang tính rủi ro cao cho khách hàng. Chính vì vậy, pháp luật đã bảo vệ quyền lợi của khách hàng bằng cách thiết lập điều khoản về việc “ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai”.
Cụ thể, theo Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định rằng:
- Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
- Phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm thực hiện trách nhiệm của bên bảo lãnh quy định tại khoản 3 Điều này và phải được lập thành hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua.
Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua.
- Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
- Việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện theo quy định tại Điều này và quy định của pháp luật về bảo lãnh.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, trước khi giao kết hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai, người mua cần phải kiểm tra hợp đồng bảo lãnh một cách thận trọng và kỹ càng. Tránh những cam kết “ảo“ về việc giảm giá từ phía người bán nhằm bỏ qua loại hợp đồng quan trọng này.
Tiến độ thanh toán khi mua nhà chung cư
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cả người mua và người bán, pháp luật có đặt ra những quy định rõ ràng về việc thanh toán khi mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
- Việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng.
- Những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng; trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.
- Trường hợp bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng.
- Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng theo đúng mục đích đã cam kết.
Tóm lại, pháp luật đã tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà ở hình thành trong tương lai. Do đó, khi giao kết loại hợp đồng này, các bên phải tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Ngoài ra, người mua cần phải tra cứu thông tin và xem xét các giấy tờ pháp lý một cách cẩn thận, nhằm tránh việc vướng phải “những chủ đầu tư ma”.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?
- Đảng viên phải tự kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên trước chi bộ vào cuối năm đúng không?
- Có trở thành công ty đại chúng khi chưa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng? Phải đăng ký cổ phiếu tập trung tại đâu?
- Khi thấy người tiêu dùng bị ép buộc mua hàng hóa thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý không?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?