Nguyên tắc suy đoán vô tội có được áp dụng trong xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh không?
Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định như thế nào trong tố tụng hình sự?
Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự như sau:
Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Theo đó, nguyên tắc suy đoán vô tội được hiểu là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội có được áp dụng trong xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh không? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc suy đoán vô tội có được áp dụng trong xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh không?
Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định như sau:
Nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh
1. Phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
2. Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
3. Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời, toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.
4. Không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
5. Đối với vụ việc mà thông tin, tài liệu, chứng cứ chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật thì phải sớm có kết luận theo quy định của pháp luật tố tụng, thực hiện công bố công khai kết luận này.
6. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
...
Theo đó, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án khi xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh.
Số lần thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tối đa mấy lần 1 năm?
Căn cứ Điều 4 Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định số lần thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh như sau:
Nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
1. Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
2. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
3. Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
4. Kế hoạch, kết luận thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được công khai theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, Số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không quá 1 lần 1 năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Lưu ý: Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.