Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là gì? Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế là bao lâu?
Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là gì?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 215/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều Thông tư 87/2018/TT-BTC; một cụm từ bị thay thế bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư 87/2018/TT-BTC) có quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế bao gồm:
- Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo được thực hiện khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế trước đó nhưng chưa thu đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt theo quyết định hành chính thuế; trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập thì chỉ áp dụng đối với người nộp thuế là cá nhân.
- Cách tính ngày để thực hiện các thủ tục cưỡng chế
+ Trường hợp thời hạn được tính bằng “ngày” thì tính liên tục theo ngày dương lịch, kể cả ngày nghỉ.
+ Trường hợp thời hạn được tính bằng “ngày làm việc” thì tính theo ngày làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật: là các ngày theo dương lịch trừ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết (gọi chung là ngày nghỉ).
+ Trường hợp thời hạn được tính từ một ngày cụ thể thì ngày bắt đầu tính thời hạn là ngày tiếp theo của ngày cụ thể đó.
+ Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn thực hiện thủ tục cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.
- Tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt mà số tiền đang bị cưỡng chế hoặc đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng đã được cơ quan thuế ban hành một trong các văn bản sau:
+ Quyết định nộp dần tiền thuế nợ;
+ Quyết định gia hạn nộp thuế;
+ Thông báo không tính tiền chậm nộp
- Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 166/2013/NĐ-CP.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là gì? Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế là bao lâu? (Hình từ Internet)
Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được gửi cho các chủ thể khi nào?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 215/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 87/2018/TT-BTC) có quy định về gửi quyết định cưỡng chế đến cá chủ thể như sau:
Đối với tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế:
- Quyết định cưỡng chế phải gửi cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế. Trường hợp người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử. Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.
- Trường hợp được coi là quyết định đã được giao xác định như sau:
+ Trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận thì người có thẩm quyền hoặc công chức thuế có trách nhiệm giao quyết định cưỡng chế lập biên bản về việc tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận quyết định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế thì được coi là quyết định đã được giao.
+ Trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại trụ sở của tổ chức, nơi cư trú của cá nhân bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.
Đối với tổ chức, cá nhân có liên quan:
- Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế hoặc công chức thuế có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế.
- Trường hợp cưỡng chế cần sự phối hợp của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì quyết định cưỡng chế phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành cưỡng chế để phối hợp thực hiện.
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 215/2013/TT-BTC có quy định như sau:
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế
1. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 (một) năm, kể từ ngày ghi trong quyết định cưỡng chế. Thời hiệu áp dụng cưỡng chế được ghi trong quyết định cưỡng chế.
Riêng quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày ghi trong quyết định cưỡng chế. Thời hiệu áp dụng cưỡng chế là 30 (ba mươi) ngày được ghi trong quyết định cưỡng chế.
Theo đó, quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ghi trong quyết định cưỡng chế.
Trong thời hạn này mà tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cố tình trốn tránh, trì hoãn, cản trở việc cưỡng chế, không thực hiện trách nhiệm của mình như: không nhận quyết định cưỡng chế, cản trở không cho cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt các hành vi này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phế liệu kim loại màu nhập khẩu là gì? Mẫu biên bản kiểm tra chất lượng Phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo QCVN?
- Mẫu Điều lệ quỹ từ thiện mới nhất? Tải mẫu? Nội dung cơ bản của điều lệ quỹ từ thiện bao gồm những gì?
- Lỗi chở quá số người quy định xe ô tô 2025? Mức phạt lỗi chở quá số người quy định? Có bị trừ điểm GPLX?
- Thống nhất về dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại Nghị quyết 15/NQ-CP?
- Mẫu bài phát biểu chúc Tết Nguyên đán của Hiệu trưởng hay và ý nghĩa? Tham khảo mẫu bài phát biểu?