Người thuộc hộ cận nghèo thì có được trợ giúp pháp lý không? Trợ giúp viên pháp lý có thể là người bào chữa cho bị can hay không?
Bị can là người thuộc hộ cận nghèo thì có được trợ giúp pháp lý hay không?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về người được trợ giúp pháp lý như sau:
Người được trợ giúp pháp lý
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
b) Người nhiễm chất độc da cam;
c) Người cao tuổi;
d) Người khuyết tật;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
h) Người nhiễm HIV.
Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Như vậy, đối với người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) nếu thuộc hộ cận nghèo thì sẽ được trợ giúp pháp lý.
Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trợ giúp pháp lý được hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Do đó, chồng chị hiện đang là bị can trong vụ án hình sự và thuộc diện hộ cận nghèo nên sẽ thuộc đối tượng được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Trợ giúp pháp lý (Hình từ Internet)
Trợ giúp viên pháp lý có thể là người bào chữa cho bị can hay không?
Tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người bào chữa trong vụ án hình sự như sau:
Người bào chữa
1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
3. Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
4. Những người sau đây không được bào chữa:
a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
5. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.
Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.
Theo đó, trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì trợ giúp viên pháp lý có thể trở thành người bào chữa cho người này trong vụ án hình sự.
Nếu bị can thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ theo Điều 71 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về vấn đề này như sau:
Trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản.
Như vậy, nếu như chồng chị thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho chồng chị biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
Nếu chồng chị đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để cử người hỗ trợ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng mới nhất hiện nay? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng là gì?
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?