Người sống thực vật có phải là người mất năng lực hành vi dân sự không? Người thực vật thực hiện giao dịch dân sự bằng cách nào?
Sống thực vật là gì?
Trạng thái sống thực vật được hiểu là một rối loạn mãn tính trong đó bệnh nhân vẫn có khả năng duy trì huyết áp, hô hấp và chức năng tim, nhưng không còn chức năng nhận thức. Bệnh nhân không thể tương tác với người khác, mất khả năng phản xạ với những kích thích từ bên ngoài, cũng như mất khả năng hiểu và biểu đạt ngôn ngữ.
Người sống thực vật có phải là người mất năng lực hành vi dân sự không? Người thực vật thực hiện giao dịch dân sự bằng cách nào? (Hình từ Internet)
Người sống thực vật có phải là người mất năng lực hành vi dân sự không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Như vậy, người sống thực vật không thể nhận thức, làm chủ hành vi và có quyết định của Tòa án có thể xem là người mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam không bác bỏ toàn bộ quyền dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự thay vào đó việc thực hiện các giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ thông qua người đại diện theo pháp luật.
Người thực vật thực hiện giao dịch dân sự bằng cách nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Mất năng lực hành vi dân sự
...
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Như vậy, giao dịch dân sự của người sống thực vật sẽ không do chính họ thực hiện.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
Theo đó, trong trường hợp người thực vật là con chưa thành niên thì người đại diện theo pháp luật sẽ là cha, mẹ.
Hoặc trường hợp người thực vật được tòa án chỉ định người dám hộ thì người đó sẽ là người đại diện theo pháp luật.
Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự là cá nhân, pháp nhân theo luật định thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự.
Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
Ngoài ra, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
- Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ chỉ định của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
- Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Theo đó, Điều 57 và Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Quyền của người giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
1. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
b) Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
c) Quản lý tài sản của người được giám hộ;
d) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Quy định trên cho thấy người giám hộ đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp mẫu hộ chiếu nổ mìn mới nhất 2025? Tải mẫu hộ chiếu nổ mìn mới nhất 2025 theo Thông tư 23?
- Sản xuất thực phẩm tươi sống có cần lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm không?
- Tổng Giám đốc Công ty Xổ số điện toán Việt Nam do ai bổ nhiệm? Tiêu chuẩn và điều kiện của Tổng Giám đốc là gì?
- Được nhận đến 5 triệu đồng khi báo tin vi phạm giao thông từ 1/1/2025 theo Nghị định 176/2024/NĐ-CP?
- Công chứng hợp đồng ủy quyền mà 2 bên không đến cùng 1 nơi để công chứng thì có được không?