Người lao động đang làm việc ở công ty và đã đóng bảo hiểm xã hội được một tháng nhưng sau đó quay lại công ty cũ làm việc thì thoái thu phần bảo hiểm đã đóng như thế nào?
Người lao động có thể làm cùng lúc ở cả hai công ty không?
Căn cứ vào Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc giao kết hợp đồng như sau:
"Điều 19. Giao kết nhiều hợp đồng lao động
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động."
Theo quy định pháp luật vừa nêu trên thì người lao động có thể ký kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.. Nên việc người lao động làm việc ở cả hai công ty là phù hợp quy định pháp luật.
Người lao động đang làm việc ở công ty và đã đóng bảo hiểm được một tháng nhưng sau đó quay lại công ty cũ làm việc thì thoái thu phần bảo hiểm đã đóng như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về quản lý đối tượng như sau:
“Điều 42. Quản lý đối tượng
…
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
…”
Theo tiết e điểm 3.1 khoản 3 Điều 43 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) có quy định về mức hoàn trả như sau:
“Điều 43. Quản lý tiền thu
...
3. Hoàn trả
3.1. Các trường hợp hoàn trả
...
e) Trường hợp một người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi. Cơ quan BHXH quản lý nơi người lao động đang làm việc hoặc đang sinh sống thực hiện hoàn trả cho người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 46;
...”
Theo quy định trên, trong thời gian người lao động nghỉ không lương ở công ty A là trường hợp không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Như vậy, trường hợp người lao động có thời gian tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trùng nhau thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện hoàn trả lại số tiền đóng đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất và quỹ BHTN cho người lao động.
Nếu người lao động được cấp sổ BHXH tại cả hai công ty A và B. Trong tháng tham gia đóng tại công ty B, không đóng tại công ty A do đang nghỉ không lương trên 14 ngày. Nên không có thời gian đóng BHXH trùng nhau, cơ quan BHXH không đồng ý thoái thu là đúng quy định.
Bảo hiểm xã hội
Pháp luật quy định về việc chốt sổ bảo hiểm như thế nào?
Chốt sổ BHXH có thể hiểu là việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật. Đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
"Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
...
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
..."
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định, như sau:
"Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả."
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận quá trình đóng BHXH (chốt sổ) và trả lại sổ BHXH cho NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ khoản 4 Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 quy định về cấp và quản lý sổ BHXH như sau:
"Điều 46. Cấp và quản lý sổ BHXH
...
4. Sổ BHXH của người lao động di chuyển đơn vị đóng được chuyển toàn bộ quá trình thời gian đã đóng đến đơn vị mới để ghi quá trình đóng tiếp.
..."
Trong trường hợp người lao động có từ 02 sổ BHXH trở lên và có thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì thực hiện thủ tục gộp sổ BHXH thành 01 sổ duy nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Báo cáo tổng kết chi hội Cựu chiến binh thôn, xã, khu dân cư năm 2024? Mẫu báo cáo tổng kết chi hội Cựu chiến binh 2024?
- Những thông tin về an toàn lao động có bắt buộc phải được công khai rộng rãi đến công chúng không?
- Lời dẫn chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn? Bản kiểm điểm Đảng viên năm 2024 mẫu 2A, mẫu 2B?
- Tặng cho nhà ở có bắt buộc phải lập thành văn bản không? Nhận tặng cho nhà ở có bắt buộc phải đi đăng ký quyền sở hữu không?
- Mẫu hợp đồng xây dựng nhà xưởng là mẫu nào? Có được áp dụng hợp đồng trọn gói đối với hợp đồng xây dựng nhà xưởng không?