Người chồng có thể lập di chúc để lại một phần tài sản cho con riêng của vợ được không? Di chúc được cho là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện gì?
Trường hợp thừa kế theo pháp luật thì con riêng của vợ có thuộc hàng thừa kế của người chồng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại."
Theo quy định trên thì con đẻ, con nuôi của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy, luật không quy định trường hợp con riêng của vợ thuộc một trong ba hàng thừa kế theo pháp luật nêu trên.
Tuy nhiên, người con riêng của vợ có thể được thừa kế di sản của cha dượng nếu thuộc trường hợp được quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này."
Theo đó, con riêng và cha dượng nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.
Trong trường hợp này, người con riêng phải chứng minh về mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng với cha dượng như cùng chung hộ khẩu, xác nhận của cơ quan chức năng về nơi cư trú, có chăm sóc, nuôi dưỡng cha khi ốm đau.
Việc chứng minh có thể gặp khó khăn nếu xảy ra tranh chấp với những người khác được hưởng quyền thừa kế. Do đó, nếu thật sự muốn để lại di sản cho con riêng của vợ thì anh nên lập di chúc phân chia tài sản cho người con riêng.
Như vậy, dù không có quan hệ huyết thống với anh nhưng người con riêng vẫn có thể nhận được tài sản do anh để lại theo di chúc. Di chúc nên được lập thành văn bản, được công chứng hoặc chứng thực.
Di chúc (Hình từ Internet)
Người chồng có thể lập di chúc để lại một phần tài sản cho con riêng của vợ được không?
Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 609. Quyền thừa kế
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc."
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết được quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015.
Tại Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc như sau:
"Điều 625. Người lập di chúc
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc."
Theo đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình khi có đủ điều kiện theo quy định.
Tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
Như vậy, trường hợp anh minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong khi lập di chúc thì anh có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình theo các quy định nêu trên.
Di chúc được cho là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện gì?
Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng."
Theo đó, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ban Chấp hành Hội công chứng viên làm việc theo nguyên tắc gì? Hình thức bầu Ban Chấp hành Hội công chứng viên là gì?
- Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại truyện cổ tích ngắn gọn? Học sinh tiểu học có những quyền gì?
- Số lượng thành viên hội đồng trường cao đẳng sư phạm là số chẵn đúng không? Chủ tịch hội đồng trường có được kiêm nhiệm chức vụ quản lý?
- Mẫu thông báo tuyển dụng nhân viên kế toán cuối năm là mẫu nào? Người lao động có phải trả chi phí cho việc tuyển dụng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho người yêu ý nghĩa? Lễ Giáng sinh Noel người lao động có được tạm ứng tiền lương không?