Mức xử phạt đối với doanh nghiệp khi không đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc theo quy định mới nhất nay là bao nhiêu?
Lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động có phải lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 76 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động như sau:
"2. Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
b) Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;
c) Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch;
d) Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra."
Như vậy, theo quy định nêu trên, khi lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động thì phải lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc
Nội dung kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động?
Tại khoản 3 Điều 76 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, theo đó kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ;
- Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;
- Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
- Chăm sóc sức khỏe người lao động;
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Mức phạt đối với doanh nghiệp khi không đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc theo quy định mới nhất nay là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cụ thể như sau:
(1) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không xây dựng, ban hành hoặc không tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc khi xây dựng không lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở;
- Không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác y tế hoặc không ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định hoặc bố trí người làm công tác y tế nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Không bố trí đủ lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định;
- Không tổ chức huấn luyện cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc hoặc tổ chức huấn luyện nhưng không đảm bảo theo quy định.
(3) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định;
- Không trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định;
- Không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc;
- Không lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng;
- Không bảo đảm đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
- Không trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để đảm bảo ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng hoặc gây tai nạn lao động.
(4) Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
(5) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp không tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?