Mức tạm ứng án phí tính như thế nào đối với trường hợp vợ chồng tự ấn định giá trị tài sản khi ly hôn?
Khi giải quyết ly hôn tại Tòa án thì vợ chồng có được tự ấn định giá tài sản hay không?
Về định giá tài sản được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với nội dung như sau:
"Điều 104. Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản
1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.
2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.
Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản."
Như vậy khi giải quyết ly hôn tại tòa án mà có tranh chấp về tài sản thì vợ chồng có quyền tự ấn định giá và cung cấp giá tài sản cho Tòa án.
Mức tạm ứng án phí tính như thế nào đối với trường hợp vợ chồng tự ấn định giá trị tài sản khi ly hôn? (Hình từ Internet)
Tạm ứng án phí sơ thẩm được tính thế nào đối với trường hợp vợ chồng tự ấn định giá tài sản?
Để xác định mức tạm ứng án phí thì phải xác định án phí vụ án dân sự đó thuộc trường có giá ngạch hay không có giá ngạch. Để xác định loại án phí thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:
Điều 24. Các loại án phí trong vụ án dân sự
1. Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
a) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
c) Án phí dân sự phúc thẩm.
2. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
3. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Như vậy đối với vụ án ly hôn mà có tranh chấp về tài sản thì dù hai vợ chồng đã tự ấn định giá trị tài sản nhưng có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản đó thì được xem là vụ án ly hôn có giá ngạch. Trường hợp này sẽ nộp tạm ứng án phí theo quy định của án phí dân sự có giá ngạch.
Vụ án ly hôn có giá ngạch thì nộp tạm ứng án phí sơ thẩm như thế nào?
Về mức tạm ứng án phí được quy định tại Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH như sau:
"Điều 7. Mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án
1. Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hình sự bằng mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án dân sự bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.
3. Mức tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm bằng mức án phí hành chính sơ thẩm. Mức tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm bằng mức án phí hành chính phúc thẩm. Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hành chính bằng mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
4. Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Mức tạm ứng lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự bằng mức lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự.
6. Mức tạm ứng lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự bằng mức lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự."
Theo quy định trên thì đối với vụ án dân sự là vụ án ly hôn có giá ngạch thì mức nộp tạm ứng án phí sẽ bằng 50% mức án phí mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết.
Tuy nhiên tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
Đối với giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được quy định tại Điều 8 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH2016 thì giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được ưu tiên áp dụng theo thứ tự như sau:
- Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
- Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
- Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án;
- Giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản;
- Trường hợp không thể căn cứ vào các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này để xác định giá trị tài sản tranh chấp thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính phải có ý kiến trả lời về việc xác định giá trị tài sản. Hết thời hạn này mà Tòa án không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tài chính cùng cấp thì Tòa án ấn định mức tạm ứng án phí.
Trường hợp một trong các cơ sở trên đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo.
Như vậy nếu vợ chồng anh chị đã tự ấn định giá trị tài sản mà có ghi trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án, thì có thể lấy đó để làm cơ sở thu tạm ứng án phí.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chưa có thẻ căn cước gắn chip thì thực hiện sinh trắc học như thế nào để sử dụng dịch vụ thanh toán?
- Người hành nghề điều dưỡng có văn bằng nào thì được kiểm tra đánh giá năng lực? Cơ quan nào thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực?
- Bình đẳng giới trong gia đình là gì? Vi phạm quyền bình đẳng giới trong gia đình có bị xử phạt không?
- Mẫu đơn xin điều chỉnh thiết kế xây dựng mới nhất? 02 trường hợp được điều chỉnh thiết kế xây dựng?
- Tổng hợp mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới nhất? Hướng dẫn cách viết mẫu?