Mức phạt và thời hiệu xử phạt đối với đăng thông tin không đúng sự thật nhưng không đăng cải chính trên báo chí quy định như thế nào?
Trang báo đưa tin sai sự thật thì việc cải chính trên báo chí thực hiện như thế nào?
Theo Điều 42 Luật Báo chí 2016 quy định cải chính trên báo chí cụ thể như sau:
"Điều 42. Cải chính trên báo chí
1. Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 52 của Luật này.
2. Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí.
Lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính.
3. Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm phải thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đăng, phát tại trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên Mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin;
b) Đăng, phát đúng chuyên Mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng đối với báo nói, báo hình mà báo chí đã đăng, phát thông tin.
4. Khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:
a) Tiêu đề: “Thông tin cải chính, xin lỗi”;
b) Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên Mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính;
c) Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính.
5. Thời Điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi được quy định như sau:
a) Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi của báo điện tử được thực hiện ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất là 07 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính, xin lỗi;
b) Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện trong thời hạn 02 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm. Đối với tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ thì phải có văn bản trả lời ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải đăng trong số ra gần nhất;
c) Cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.
Cơ quan báo chí đã đăng, phát nội dung thông tin vi phạm, sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi."
Như vậy, khi bạn của bạn bị trang báo đưa tin sai sự thật về mình thì cơ quan báo chí phải thực hiện việc đăng phát cải chính trên báo chí và thông báo cho cá nhân đó.
Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Việc đăng phát cải chính xin lỗi phải đảm bảo nội dung và thời điểm đăng phát sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Mức phạt và thời hiệu xử phạt đối với đăng thông tin không đúng sự thật nhưng không đăng cải chính trên báo chí quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Đăng thông tin không đúng sự thật nhưng không đăng cải chính trên báo chí thì có bị phạt không?
Căn cứ theo khoản 3, khoản 5 Điều 10 Nghị định 119/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b Khoản 11 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm cải chính trên báo chí, cụ thể những hành vi dưới đây:
"Điều 10. Vi phạm quy định về cải chính trên báo chí
...
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật;
b) Không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi;
c) Tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ khi thông tin sai sự thật mà không có văn bản trả lời ngay cho cơ quan tổ chức, cá nhân;
d) Không xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của báo điện tử, tạp chí điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi;
đ) Đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi mà không thể hiện đầy đủ các nội dung đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính;
e) Cải chính, xin lỗi không đúng thời điểm quy định;
g) Thực hiện cải chính, xin lỗi không đúng quy định về vị trí.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
b) Buộc thực hiện đăng, phát lại nội dung cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
c) Buộc đăng, phát đầy đủ nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
d) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này."
Theo đó, khi bạn của bạn bị trang báo đăng thông tin không đúng sự thật và đã lên tiếng đính chính nhưng trang báo không cải chính trên báo chí đồng nghĩa với việc không có hành động thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật này thì sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đối với hành vi này.
Lưu ý rằng: Mức phạt đối với hành vi vi phạm trên là áp dụng với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 119/2020/NĐ-CP.
So với Điều 10 Nghị định 159/2013/NĐ-CP trước đây đã có nhiều thay đổi về các hành vi vi phạm, và mức phạt, áp dụng biện pháp khắc hậu quả đối với từng hành vi cụ thể.
Thời hiệu xử phạt đối với hành vi không thực hiện gỡ bỏ thông tin sai sự thật là bao nhiêu năm?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 119/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm c khoản 5 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 4. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in là 02 năm.
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.”.
Như vậy, thời hiệu đối với hành vi không thực hiện gỡ bỏ thông tin sai sự thật là 02 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?