Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản mới nhất? Cách tính tiền trợ cấp của lao động nữ đi làm sớm sau thai sản như thế nào?
Biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản là gì? Bàn giao công việc khi nghỉ thai sản có phải là nghĩa vụ của lao động nữ nghỉ thai sản không?
Biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản là văn bản ghi nhận việc người lao động đang mang thai bàn giao công việc cho người thay thế trước khi nghỉ thai sản.
Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 có quy định nghỉ thai sản như sau:
Nghỉ thai sản
1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo quy định về nghỉ thai sản nêu trên thì không quy định việc bàn giao công việc khi nghỉ thai sản là nghĩa vụ của lao động nữ được nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 có quy định , người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, nếu hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác có quy định việc bàn giao công việc khi nghỉ thai sản là nghĩa vụ thì lao động nữ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này.
Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản mới nhất? (Hình từ Internet)
Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản mới nhất?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật liên quan không quy định cụ thể Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản.
Có thể tham khảo Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản dưới đây:
TẢI VỀ: Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản
Lưu ý: Mẫu trên chỉ mang tính chất tham khảo
Cách tính tiền trợ cấp của lao động nữ đi làm sớm sau thai sản như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con
1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;
b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.
Theo đó, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
...
Theo đó, mức hưởng trợ cấp của lao động nữ đi làm sớm sau thai sản được tính như sau:
Trợ cấp thai sản = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản x Số tháng
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghỉ việc điều trị tai nạn lao động 6 tháng thì bị chấm dứt hợp đồng lao động? Mẫu đơn xin thôi việc sau khi điều trị tai nạn lao động?
- Chưa có thẻ căn cước gắn chip thì thực hiện sinh trắc học như thế nào để sử dụng dịch vụ thanh toán?
- Người hành nghề điều dưỡng có văn bằng nào thì được kiểm tra đánh giá năng lực? Cơ quan nào thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực?
- Bình đẳng giới trong gia đình là gì? Vi phạm quyền bình đẳng giới trong gia đình có bị xử phạt không?
- Mẫu đơn xin điều chỉnh thiết kế xây dựng mới nhất? 02 trường hợp được điều chỉnh thiết kế xây dựng?