Lừa đảo tuyển dụng là gì? Lừa đảo tuyển dụng qua mạng bị phạt bao nhiêu? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Cần làm gì khi bị lừa đảo tuyển dụng?
Lừa đảo tuyển dụng là gì? Lừa đảo tuyển dụng qua mạng bị phạt bao nhiêu tiền?
Hiện nay, không có quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm lừa đảo tuyển dụng tuy nhiên có thể hiểu lừa đảo tuyển dụng là hành vi gian lận trong quá trình tuyển dụng, trong đó nhà tuyển dụng yêu cầu người lao động tham gia tuyển dụng phải trả một khoản tiền (thường là tiền cọc hoặc phí tuyển dụng) để có được công việc.
* Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Theo đó, tại Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tuyển dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Theo đó, người lao động không phải trả bất kỳ chi phí nào cho việc tuyển dụng lao động, do đó, trường hợp nhà tuyển dụng yêu cầu thu tiền cọc của người lao động tham gia tuyển dụng có thể bị xem là lừa đảo trong tuyển dụng.
Người có hành vi lừa đảo tuyển dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;
b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;
d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, người có hành vi lừa đảo tuyển dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đối với tổ chức có cũng hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền tuyển dụng đã thu (khoản 4 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Lừa đảo tuyển dụng là gì? Lừa đảo tuyển dụng qua mạng bị phạt bao nhiêu? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Cần làm gì khi bị lừa đảo tuyển dụng? (Hình từ Internet)
Lừa đảo tuyển dụng qua mạng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người có hành vi lừa đảo tuyển dụng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy vào tình tiết, tính chất vụ việc và mức độ vi phạm mà người có hành vi lừa đảo tuyển dụng qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung nhân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người lao động cần làm gì khi bị lừa đảo tuyển dụng việc làm qua mạng?
Khi phát hiện hành vi lừa đảo tuyển dụng, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình người lao động không nên chuyển bất kỳ phí cọc tuyển dụng nào và cần làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan sau đây:
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
- Các cơ quan, tổ chức khác khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
(Theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC)
Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị lừa đảo tuyển dụng qua mạng còn có thể thông tin, trình báo qua Đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 53/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn giải quyết trường hợp người vi phạm không chấp hành việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông theo Thông tư 69/2024?
- Mẫu giấy vay tiền không thế chấp đơn giản, hợp pháp? Cho vay không thỏa thuận lãi suất được đòi tiền lãi tối đa bao nhiêu %?
- Trách nhiệm của đại lý thuế? Người nộp thuế phải thông báo về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ với đại lý thuế chậm nhất mấy ngày?
- Link xem trực tiếp Chung kết Mr World 2024 ở đâu? Chung kết Mr World 2024 vào lúc mấy giờ?
- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có được hỗ trợ trong hoạt động khuyến công?