Loại hình doanh nghiệp nào phù hợp nhất để khởi nghiệp? Ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp?

Tôi đang có ý định khởi nghiệp nhưng không biết nên chọn loại hình doanh nghiệp nào? Ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp ra sao? Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của từng loại hình có phức tạp không? Câu hỏi của anh N (Huế).

Loại hình doanh nghiệp nào phù hợp nhất để khởi nghiệp? Ưu, nhược điểm của từng loại hình?

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp là một bước quan trọng trong quá trình khởi nghiệp. Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì hiện nay tại Việt Nam có tất cả 05 loại hình doanh nghiệp, bao gồm:

(1) Doanh nghiệp tư nhân;

(2) Công ty TNHH một thành viên;

(3) Công ty TNHH hai thành viên trở lên;

(4) Công ty hợp danh;

(5) Công ty cổ phần.

Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào phù hợp nhất để khởi nghiệp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

(1) Mục tiêu kinh doanh:

- Nếu muốn bắt đầu kinh doanh nhanh chóng và đơn giản thì Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên là lựa chọn phù hợp.

- Nếu muốn huy động vốn đầu tư từ bên ngoài hoặc mở rộng quy mô công ty thì lựa chọn phù hợp là Công ty cổ phần.

(2) Vốn đầu tư:

- Trường hợp vốn đầu tư thấp thì việc lựa chọn loại hình Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty hợp danh được xem là lựa chọn phù hợp.

- Trường hợp vốn đầu tư cao thì lựa chọn loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty Cổ phần sẽ phù hợp hơn.

(3) Trách nhiệm pháp lý:

- Công ty hợp danh:

Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty (theo điểm b khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Doanh nghiệp tư nhân:

Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản (khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Công ty TNHH:

+ Công ty TNHH MTV: Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (theo khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).

+ Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 (theo khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Công ty cổ phần:

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (theo điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).

(4) Quy trình thành lập:

Theo Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì quy trình thành lập của Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh sẽ có thủ tục đơn giản nhất, sau đó sẽ đến Công ty TNHH và phức tạp nhất sẽ là Công ty cổ phần.

(5) Lĩnh vực đầu tư:

Lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao: Nên chọn loại hình doanh nghiệp có mức độ trách nhiệm thấp như công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Lĩnh vực đầu tư có rủi ro thấp: Nên chọn loại hình doanh nghiệp có mức độ trách nhiệm cao như doanh nghiệp tư nhân.

Về đặc điểm, ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp:

(1) Doanh nghiệp tư nhân (Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020)

Đặc điểm:

- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký.

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác;

+ Đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

Ưu điểm:

- Doanh nghiệp tư nhân thuộc sở hữu của duy nhất một người nên mô hình tổ chức công ty rất đơn giản, chủ doanh nghiệp chủ động tự quyết định trong việc mua bán, chuyển nhượng, giải thể doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp tư nhân rất dễ vay mượn tiền từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng do không có sự phân biệt tài sản giữa cá nhân và doanh nghiệp.

- Là loại hình ít chịu sự ràng buộc của pháp luật nhất so với các loại hình khác.

Nhược điểm:

- Mỗi cá nhân chỉ được thành lập duy nhất 1 doanh nghiệp tư nhân

- Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên không có sự phân biệt tài sản giữa chủ doanh nghiệp với doah nghiệp.

+ Vì vậy chủ doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm với toàn bộ các khoản nợ của doanh nghiệp kể cả dung tài sản cá nhân để thanh toán các khoản nợ này.

+ Đây chính là hạn chế lớn nhất của mô hình này khiến cho mô hình này ít được lựa chọn.

- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền phát hành chứng khoán nên khả năng huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này không cao.

(2) Công ty hợp danh

Đặc điểm (Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020):

- Phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty còn có thể có thêm thành viên góp vốn.

- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

- Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào trong quá trình hoạt động.

- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.

Ưu điểm

- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân vì vậy giữa tài sản của Doanh nghiệp và tài sản của thành viên công ty có sự phân biệt với nhau tuy nhiên việc phân biệt tài sản này chỉ áp dụng với thành viên góp vốn, còn thành viên hợp danh thì vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn đối vối các khoản nợ của công ty.

- Hình thức doanh nghiệp này không bị hạn chế về số lượng thành viên nên có thể huy động vốn theo cách thêm thành viên công ty.

Nhược điểm

- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ khi được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

- Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

- Thành viên hợp danh muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 6 tháng trước ngày rút vốn và chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

- Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trong trường hợp tự nguyện rút vốn khỏi công ty;

+ Bị khai trừ khỏi công ty; chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp quy định trong điều lệ công ty thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

Công ty TNHH

Công ty TNHH hai thành viên trở lên (Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020)

Đặc điểm

- Là doanh nghiệp có tối thiểu 2 thành viên và tối đa không quá 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chúng nhận kinh doanh.

- Loại hình doanh nghiệp này không được phát hành cổ phiều trừ khi việc phát hành để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

- Được phát hành trái phiếu

Ưu điểm

- Có tư cách pháp nhân nên phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp và các thành viên công ty.

+ Vì vậy các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình vào doanh nghiệp.

+ Điều này hạn chế được rủi ro cho các thành viên khi góp vốn vào công ty hơn so với Cty Hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân.

- Trường hợp thành viên công ty muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì các thành viên còn lại trong công ty có quyền ưu tiên mua.

+ Trong thời hạn 30 ngày nếu trong công ty không có thành viên nào mua thì thành viên đó mới được chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác.

+ Quyền ưu tiên này giúp hạn chế được việc các cá nhân, tổ chức bên ngoài thâu tóm công ty.

Nhược điểm

- Do việc các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp cảu mình vào doanh nghiệp nên điều này sẽ chuyển rủi ro sang cho doanh nghiệp.

- Việc huy động vốn của loại hình này khá hạn chế do không được phát hành cổ phiếu.

Công ty TNHH một thành viên (Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020)

Đặc điểm

- Là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty.

- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

- Không được phát hành cổ phần trừ khi phát hành để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

- Được phát hành trái phiếu.

Ưu điểm

- Các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

- Số lượng thành viên không nhiều nên dễ dàng trong việc quản lí, kiểm soát.

Nhược điểm

- Không được phát hành cổ phiếu nên khả năng huy động vốn không cao.

- Các quy định pháp luật điều chỉnh chặt chẽ.

Công ty cổ phần (Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)

Đặc điểm

- Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng việc mua cổ phần. Mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần.

- Thành viên công ty tối thiểu là 3 thành viên và không giới hạn số lượng thành viên tối đa.

- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của Doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.

- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

- Công ty cổ phần bắt buộc phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc. Nếu công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên thì phải có thêm Ban kiểm soát (Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Cổ đông có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ trường hợp trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người khác không phải cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Ưu điểm

- CTCP có tư cách pháp nhân vì vậy các cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình vào công ty, điều này giúp hạn chế rủi ro cho các cổ đông khi góp vốn khi đầu tư vào công ty.

- CTCP có quyền phát hành chứng khoán nên khả năng huy động vốn là rất lớn vì vậy công ty dễ dàng trong việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh…

- CTCP không giới hạn số lượng thành viên tối đa vì vậy phạm vi các đối tượng được tham gia vào công ty cổ phần rất rộng.

Nhược điểm

- Do CTCP không giới hạn số lượng thành viên vì vậy việc tổ chức, quản lí điều hành công ty phức tạp hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp khác.

- Loại hình này chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật.

- Quyền của những người điều hành bị hạn chế trong một số trường hợp phải được sự thông qua của Hội đồng cổ đông.

Tóm lại, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào để khởi nghiệp sẽ phụ thuộc vào ngành, nghề mà anh có ý định đầu tư, mức vốn đầu tư, mục tiêu kinh doanh,... và nhiều yếu tố liên quan.

Tải về Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Tải

Loại hình doanh nghiệp nào phù hợp nhất để khởi nghiệp? Ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp?

Loại hình doanh nghiệp nào phù hợp nhất để khởi nghiệp? Ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp? (hình từ internet)

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của từng loại hình gồm những giấy tờ gì?

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của từng loại hình doanh nghiệp được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Doanh nghiệp tư nhân (Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

(2) Công ty hợp danh (Điều 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

+ Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(3) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần (Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

+ Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(4) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

+ Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Những loại hình doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi theo quy định?

Theo Chương IX Luật Doanh nghiệp 2020 thì những loại hình sau có thể chuyển đổi theo quy định:

(1) Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần (Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020);

(2) Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 203 Luật Doanh nghiệp 2020);

(3) Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2020);

(4) Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020).

Loại hình doanh nghiệp
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Tên gọi, loại hình doanh nghiệp và trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Pháp luật
Loại hình doanh nghiệp nào phù hợp nhất để khởi nghiệp? Ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp?
Pháp luật
Doanh nghiệp có phải kê khai loại hình doanh nghiệp khi mở tài khoản tại ngân hàng hay không theo quy định?
Pháp luật
Công ty gia đình là gì? Khi mở công ty gia đình thì nên mở theo loại hình doanh nghiệp như thế nào?
Pháp luật
Loại hình doanh nghiệp là gì? Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp theo quy định?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Loại hình doanh nghiệp
Phạm Thị Xuân Hương Lưu bài viết
9,761 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Loại hình doanh nghiệp

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Loại hình doanh nghiệp

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào