Không chăm sóc, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mình trước khi qua đời thì có được quyền nhận di sản thừa kế không?
Nghĩa vụ nuôi dưỡng là gì?
Căn cứ Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:
Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Theo đó, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc,nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật.
Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng
Quyền thừa kế là gì? Người thừa kế là ai?
Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Theo đó, quyền thừa kế là việc cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp người thừa kế không phải cá nhân thì có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo đó, người thừa kế có thể là cá nhân hoặc không phải cá nhân. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Người thừa kế không phải cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mình thì có được quyền nhận di sản thừa kế không?
Căn cứ Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản như sau:
Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Theo đó, những người không được quyền hưởng di sản là người thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 621, trong đó có trường hợp người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản sẽ không được hưởng di sản thừa kế.
Tuy nhiên, những người quy định tại khoản 1 Điều 621 vẫn được hưởng di sản thừa kế, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn hỏi, có thể em trai bạn đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cha bạn vì đã không chăm sóc, nuôi dưỡng ông trong lúc ông nhập viện đến khi qua đời.
Tuy nhiên, cha bạn biết được điều đó và vẫn để lại di chúc chia di sản cho em trai bạn, nên em trai bạn vẫn có quyền nhận di sản thừa kế này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua bộ phận thường trực đến người có thẩm quyền trong thời hạn bao lâu?
- Quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được thiết kế như thế nào?
- Hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe từ 01/01/2025 thế nào?
- Cá nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất?
- Cơ quan nhà nước phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi nào? Công tác quản trị nội bộ trên môi trường điện tử gồm những hoạt động nào?