Khi nào thì một người được tuyên bố chết? Hậu quả khi tuyên bố một người đã chết như thế nào? Thủ tục yêu cầu tuyên bố chết được quy định ra sao?
Khi nào thì một người bị tuyên bố chết?
Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Tuyên bố chết
1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
2. Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Như vậy, một người được tuyên bố là đã chết nếu thuộc các trường hợp được nêu trên.
Hậu quả khi tuyên bố một người đã chết như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục yêu cầu tuyên bố chết được quy định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì người có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết là người có quyền, lợi ích liên quan đến người đó. Đây cũng là quy định nêu tại khoản 1 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó, có thể kể đến một số đối tượng được quyền yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người đã chết như sau:
- Người có quan hệ hôn nhân, gia đình với người bị tuyên bố chết: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi...
- Người có quan hệ thừa kế với người bị tuyên bố chết: Người cùng hàng thừa kế của người này, người thừa kế của người bị tuyên bố chết...
Theo khoản 2 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ nộp để yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết gồm:
- Đơn yêu cầu (có mẫu).
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người này đã chết theo các trường hợp nêu trên: Bị biệt tích, đã bị tuyên bố mất tích trước đó, gặp thảm hoạ, thiên tai...
- Giấy tờ nhân thân chứng minh bản thân là người có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố đã chết (bản sao).
Toà án cấp huyện nơi người bị tuyên bố đã chết cư trú cuối cùng theo điểm a khoản 2 Điều 35 và điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố chết.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật này, người yêu cầu còn có quyền chọn Toà án cấp huyện nơi mình cư trú, làm việc để giải quyết.
Hậu quả khi tuyên bố một người đã chết là gì?
Căn cứ theo Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi một người bị Toà án tuyên bố là đã chết thì quan hệ hôn nhân, tài sản của người này được giải quyết như với người chết:
- Quan hệ hôn nhân: Hôn nhân chấm dứt (theo Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
- Quan hệ tài sản: Chia tài sản của người bị tuyên bố là đã chết theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:
Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bị xử phạt bao nhiêu?
- Hóa đơn giá trị gia tăng dành cho các đối tượng nào? Không lập hóa đơn giá trị gia tăng khi bán hàng có phải là hành vi trốn thuế?
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam là gì? Tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao là gì?
- Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân là gì? Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu?
- Tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cần đáp ứng những điều kiện nào?