Kết luận giám định tư pháp gồm có những nội dung gì? Kết luận giám định tư pháp bắt buộc phải có chữ kỹ của những ai?
Kết luận giám định tư pháp bắt buộc phải có chữ ký của những ai?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 32 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020), tùy từng trường hợp thì kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký của những đối tượng sau đây:
- Trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định tư pháp thì bản kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp;
- Trường hợp yêu cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định tư pháp phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định;
- Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp;
- Trường hợp Hội đồng giám định quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Giám định tư pháp 2012 thực hiện giám định thì người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.
Kết luận giám định tư pháp (Hình từ Internet)
Kết luận giám định tư pháp gồm có những nội dung gì?
Theo khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) thì kết luận giám định tư pháp phải bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau đây:
- Họ, tên người giám định tư pháp; tổ chức thực hiện giám định tư pháp;
- Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
- Thông tin xác định đối tượng giám định;
- Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp;
- Nội dung yêu cầu giám định;
- Phương pháp thực hiện giám định;
- Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp;
- Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
Người giám định tư pháp có thể tiết lộ nội dung kết luận giám định cho những người khác biết hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Luật giám định tư pháp 2012 quy định về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp như sau:
Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp
...
2. Người giám định tư pháp có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp;
b) Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;
c) Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;
d) Lập hồ sơ giám định;
đ) Bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
e) Không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;
g) Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người giám định tư pháp không được thông báo kết quả cũng như kết luận giám định cho những người khác biết, trừ khi đã được người trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản.
Có những tổ chức giám định tư pháp công lập nào?
Căn cứ theo Điều 12 Luật giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 8 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) thì hiện có những tổ chức giám định tư pháp công lập sau đây:
Tổ chức giám định tư pháp công lập
...
2. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:
a) Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
c) Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
d) Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
3. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm:
a) Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
4. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:
a) Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;
c) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
5. Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đảng viên, tổ chức đảng thiếu trách nhiệm là gì? Trường hợp nào chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật Đảng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?