Hướng dẫn xác định mức lương tối thiểu vùng? Tiền lương có được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng?
Hướng dẫn xác định mức lương tối thiểu vùng?
Sau đây là hướng dẫn cách xác định mức lương tối thiểu vùng mà công ty, doanh nghiệp, người lao động có thể tham khảo:
Bước 1: Xác định nơi làm việc của người lao động thuộc vùng nào.
Công ty, doanh nghiệp, người lao động rà soát Phụ lục Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu ban hành kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP để xác định quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố nơi mình đang làm việc thuộc vùng I, vùng II, vùng III, hay vùng IV.
TẢI VỀ Phụ lục Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu
Bước 2: Xác định mức lương tối thiểu theo vùng của người lao động
Dựa trên vùng người lao động đang làm việc đã được xác định tại bước 1, công ty, doanh nghiệp, người lao động căn cứ vào mức lương tối thiểu được quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP để xác định mức lương tối thiểu của người lao động, cụ thể như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
Lưu ý:
- Mức lương tối thiểu trên là mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ, trường hợp người sử dụng lao động trả lương theo tháng thì áp dụng mức lương tối thiểu tháng, trường hợp người sử dụng lao động trả lương theo giờ thì áp dụng mức lương tối thiểu giờ.
- Căn cứ vào tình hình thực tế, mức lương tối thiểu có thể thay đổi theo quy định pháp luật.
Hướng dẫn xác định mức lương tối thiểu vùng? Tiền lương có được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng? (Hình từ Internet)
Tiền lương có được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng không?
Căn cứ quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo đó, tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Đối chiếu với quy định tại khoản 2 nêu trên, tiền lương của người lao động chưa tính cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định.
Lưu ý:
Mức lương tối thiểu được quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
(1) Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
(3) Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Áp dụng mức lương tối thiểu như thế nào?
Việc áp dụng mức lương tối thiểu được quy định tại Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
(2) Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
(3) Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
- Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
- Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ cuối năm ở đâu?
- Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật trong cuốn sách em đã đọc lớp 5? Nhiệm vụ của học sinh tiểu học hiện nay?
- Thuốc bị thu hồi do vi phạm ở mức độ 1 thì có thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc không? Thu hồi do vi phạm mức độ 1 có nghĩa là gì?
- Mẫu Sổ cái trong kế toán thuế xuất nhập khẩu? Tải mẫu? Thời điểm đóng kỳ kế toán thuế xuất nhập khẩu năm?
- Bản kiểm điểm đảng viên sinh hoạt nơi cư trú cuối năm 2024 thế nào? Tải về mẫu bản kiểm điểm đảng viên sinh hoạt nơi cư trú cuối năm 2024 ở đâu?