Hướng dẫn viên du lịch có bị thu hồi thẻ hướng dẫn viên nếu cho người khác mượn thẻ của mình để hành nghề không?
- Hướng dẫn viên du lịch có bị thu hồi thẻ hướng dẫn viên nếu cho người khác mượn thẻ của mình không?
- Hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ của mình để hành nghề bị phạt bao nhiêu?
- Hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ của mình bị tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch trong bao lâu?
- Chánh Thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền xử phạt hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch của mình không?
Hướng dẫn viên du lịch có bị thu hồi thẻ hướng dẫn viên nếu cho người khác mượn thẻ của mình không?
Căn cứ Điều 64 Luật Du lịch 2017 quy định như sau:
Thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch
1. Thẻ hướng dẫn viên du lịch bị thu hồi trong trường hợp hướng dẫn viên du lịch có một trong các hành vi sau đây:
a) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
b) Cho cá nhân khác sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch để hành nghề;
c) Không bảo đảm điều kiện hành nghề, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật này;
d) Giả mạo hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quyết định thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch và công bố công khai trên trang thông tin điện tử quản lý hướng dẫn viên du lịch của Tổng cục Du lịch và cơ quan thu hồi thẻ.
3. Hướng dẫn viên du lịch đã bị thu hồi thẻ chỉ được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch sau 12 tháng kể từ ngày bị thu hồi thẻ.
Như vậy, nếu hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ của mình để hành nghề sẽ bị thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch đồng thời bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn viên du lịch (hình từ Internet)
Hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ của mình để hành nghề bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 6 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch
...
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kê khai không trung thực hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch;
b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch;
c) Hoạt động hướng dẫn du lịch không đúng phạm vi hành nghề của hướng dẫn viên du lịch theo quy định.
...
Chiếu theo quy định này, hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch của mình để hành nghề sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ của mình bị tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch trong bao lâu?
Căn cứ khoản 10 và khoản 11 Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch
...
10. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 8 Điều này;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 7 Điều này.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 6 và khoản 7 Điều này;
b) Buộc thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 6 Điều này.
Theo đó, ngoài bị xử lý hành chính, hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên của mình để hành nghề còn bị tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng và buộc nộp lại số lợi bất chính có được từ việc thực hiện hành vi này.
Chánh Thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền xử phạt hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch của mình không?
Tại điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quyền xử phạt các vi phạm hành chính tại Điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
Đồng thời căn cứ Điều 19 Nghị định 45/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền của cơ quan Thanh tra chuyên ngành
1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng.
2. Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Theo quy định này, Chánh Thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quyền xử phạt hành chính với mức phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và 50.000.000 đồng đối với tổ chức (theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP) (cao hơn mức xử phạt hành chính tối đa áp dụng đối với hướng dẫn viên du lịch cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch của mình để hành nghề).
Tóm lại, Chánh Thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quyền xử phạt hành chính hướng dẫn viên du lịch vi phạm quy định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng hình thức học trực tuyến thì có được công nhận để sử dụng chứng chỉ tại Việt Nam?
- Mẫu biên bản định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp? Tải về file word mẫu biên bản định giá?
- Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lấy từ đâu?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn của giáo viên mần non cuối năm mới nhất?
- Xung đột pháp luật là gì? Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật trong hoạt động hàng hải?