Hợp đồng thế chấp nhà ở không cần phải công chứng, chứng thực khi nào? Hợp đồng thế chấp nhà ở không công chứng, chứng thực có vô hiệu?
Hợp đồng thế chấp nhà ở không cần phải công chứng, chứng thực khi nào?
Căn cứ Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:
(1) Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại mục (2).
Đối với giao dịch quy định tại mục này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
(2) Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với giao dịch tại mục này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
(3) Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
(4) Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng. Việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.
Như vậy, hợp đồng thế chấp nhà ở bắt buộc phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực theo quy định trong mọi trường hợp.
Hợp đồng thế chấp nhà ở không cần phải công chứng, chứng thực khi nào? Hợp đồng thế chấp nhà ở không công chứng, chứng thực có vô hiệu? (Hình từ Internet)
Hợp đồng thế chấp nhà ở không công chứng, chứng thực có vô hiệu không?
Căn cứ Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như sau:
Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Và căn cứ theo khoản 1 Điều 407 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vô hiệu như sau:
Hợp đồng vô hiệu
1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
...
Như vậy, hợp đồng thế chấp nhà ở không công chứng, chứng thực sẽ vô hiệu trừ trường hợp hợp một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thế chấp thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Có được nhờ người khác thế chấp nhà ở của họ để bảo bảo đảm nghĩa vụ cho mình không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Và theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:
Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Theo đó, thế chấp là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản bên nhận thế chấp.
Như vậy, việc thế chấp nhà ở để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác được hiểu là việc bên thế chấp dùng tài sản của người khác để bảo đảm nghĩa vụ của mình cho bên nhận thế chấp.
Và theo quy định pháp luật không có điều khoản cấm thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của người khác nên bên thế chấp hoàn toàn có quyền thế chấp nhà ở của người khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình với bên nhận thế chấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa khi làm thủ tục hải quan là ở đâu? Thời hạn kiểm tra thực tế hàng hóa là bao lâu?
- Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở có phải đăng ký biến động đất đai không? Có phải nộp tiền sử dụng đất?
- Bắt buộc doanh nghiệp phải ban hành nội quy lao động khi sử dụng bao nhiêu lao động? 09 nội dung chính trong nội quy lao động cần phải có?
- Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự?
- Sở giao dịch chứng khoán có được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán của các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện niêm yết không?