Hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hoá được quy định như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được quy định như thế nào?
Pháp luật về thương mại quy định về sở giao dịch hàng hoá như thế nào?
Về sở giao dịch hàng hóa, căn cứ tại Điều 67 Luật Thương mại 2005 có quy định cụ thể như sau:
- Sở giao dịch hàng hoá có các chức năng sau đây:
+ Cung cấp các điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hoá;
+ Điều hành các hoạt động giao dịch;
+ Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.
- Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa, quyền hạn, trách nhiệm của Sở giao dịch hàng hóa và việc phê chuẩn Điều lệ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa.
Về các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, được quy định cụ thể tại Điều 71 Luật Thương mại 2005 như sau:
- Nhân viên của Sở giao dịch hàng hoá không được phép môi giới, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
- Các bên liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Gian lận, lừa dối về khối lượng hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn được giao dịch hoặc có thể được giao dịch và gian lận, lừa dối về giá thực tế của loại hàng hoá trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;
+ Đưa tin sai lệch về các giao dịch, thị trường hoặc giá hàng hoá mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa;
+ Dùng các biện pháp bất hợp pháp để gây rối loạn thị trường hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hoá;
+ Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hoá
Hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hoá được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 64 Luật Thương mại 2005 về hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được quy định cụ thể như sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
- Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.
- Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được quy định như thế nào?
Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn, căn cứ tại Điều 65 Luật Thương mại 2005 quy định cụ thể như sau:
- Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.
- Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
- Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn, căn cứ tại Điều 66 Luật Thương mại 2005 quy định cụ thể như sau:
- Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thỏa thuận.
- Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hóa đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hóa cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
- Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hóa đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
- Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.
Trên đây là những quy định của pháp luật thương mại liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hoá và quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hoá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?