Viên chức quản lý được cử đi học, đi đào tạo ở nước ngoài thì có được xem xét bổ nhiệm lại hay không?
Viên chức quản lý là gì? Nghĩa vụ của viên chức quản lý được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức 2010 một cụm từ bị bãi bỏ bởi điểm a khoản 13 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
Viên chức quản lý ngoài thực hiện nghĩa vụ chung của Viên chức thì viên chức quản lý còn thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 18 Luật Viên chức 2010 như sau:
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao;
- Thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
- Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách;
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Viên chức quản lý được cử đi học, đi đào tạo ở nước ngoài thì có được xem xét bổ nhiệm lại hay không?
Viên chức quản lý được cử đi học, đi đào tạo ở nước ngoài thì có được xem xét bổ nhiệm lại hay không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có qui định như sau:
Thời điểm, thời hạn và nguyên tắc thực hiện bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý
1. Viên chức quản lý khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm phải tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý. Trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều này thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm phải có văn bản thông báo để đơn vị và viên chức biết.
Như vậy, viên chức quản lý khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm thì phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý.
Tuy nhiên, viên chức thuộc một trong các trường hợp tại khoản 5 Điều 49 Nghị định 115/2020/NĐ-CP dưới đây thì chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ:
- Viên chức quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
- Viên chức quản lý đang trong thời gian được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài 03 tháng trở lên;
- Viên chức quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.
Lưu ý: Quyết định bổ nhiệm lại hoặc quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý phải được ban hành trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm ít nhất 01 ngày làm việc.
Như vậy, nếu viên chức quản lý đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, công tác ở nước ngoài có thời hạn từ 03 tháng trở lên thì sẽ thuộc trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.
Thủ tục bổ nhiệm lại viên chức quản lý được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 51 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thủ tục bổ nhiệm lại
1. Chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm phải ra thông báo thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại đối với viên chức.
2. Viên chức làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ gửi người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm.
3. Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến về việc bổ nhiệm lại
Thành phần: Thực hiện như quy định tại bước 4 quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý.
Trình tự thực hiện: Viên chức được xem xét để bổ nhiệm lại báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ; hội nghị tham gia góp ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với viên chức được xem xét bổ nhiệm lại.
Biên bản hội nghị, biên bản kiểm phiếu tín nhiệm được gửi lên người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này.
4. Tập thể lãnh đạo đơn vị thảo luận và biểu quyết nhân sự
Thành phần: Thực hiện như quy định tại bước 5 quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý.
Trình tự thực hiện:
Phân tích kết quả lấy phiếu ở hội nghị cán bộ chủ chốt. Viên chức được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập tham gia hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu;
Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);
Lấy ý kiến bằng văn bản của ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy đơn vị (những nơi không có ban thường vụ) về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại;
Tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm lại theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như vậy, việc bổ nhiệm lại viên chức quản lý được thực hiện theo thủ tục như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điều kiện đối với ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Thời hạn gửi báo cáo tài chính hằng năm của ngân hàng mẹ?
- Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện: Đặt tên đơn vị hành chính cấp huyện sau sáp nhập thế nào?
- Đưa thông tin sai sự thật về việc bãi bỏ Nghị định 168 về xử phạt vi phạm giao thông bị phạt thế nào?
- Chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng gồm bao gồm chi phí nào? Được xác định như thế nào?
- Gợi ý quà tất niên tặng cho đối tác, khách hàng, nhân viên cuối năm thiết thực? Có bắt buộc phải tặng quà tất niên cho nhân viên không?