Trình tự, thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng như thế nào?
Trình tự, thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 6 Mục A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 4953/QĐ-BNN-TT quy định về trình tự, thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Ngay sau khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Hồ sơ gồm:
- Tờ khai đăng ký chuyển nhượng theo quy định tại Mẫu số 18 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP;
- Bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng. Nội dung hợp đồng phải bằng tiếng Việt hoặc phải được dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
- Bản chính Bằng bảo hộ giống cây trồng được chuyển nhượng;
- Bản chính văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu giống cây trồng trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ
- Trường hợp nộp trực tiếp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ;
- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;
- Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản việc chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng, ghi nhận bên nhận chuyển nhượng là chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng, cập nhật vào Sổ đăng ký quốc gia, cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo thông tin ghi nhận việc chuyển nhượng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản việc chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
- Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo thông tin ghi nhận việc chuyển nhượng theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng như thế nào? (Hình từ internet)
Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau:
- Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng;
- Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;
- Chủ bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;
- Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 169 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điểm k khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định như sau:
Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây leo thanh gỗ; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.
3. Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 170 và Điều 171 của Luật này.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây leo thanh gỗ.
Đối với cây giống cây trồng khác thì bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực đến hết 20 năm kể từ ngày cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch đi làm lại sau Tết Nguyên Đán 2025? Lịch đi làm lại sau Tết Âm lịch 2025 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động?
- Đá khối làm đá ốp lát công trình xây dựng là đá như thế nào? Quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật đá khối làm đá ốp lát xuất khẩu?
- Tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt như thế nào?
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 đã quyết nghị lấy ngày 3 2 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Mừng thọ 70 tuổi gọi là gì? Cách tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi theo Thông tư 06 chi tiết, cụ thể?