Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới?
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới?
Ngày 28/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 898/CĐ-TTg tại đây về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công điện của Thủ tướng gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.
- Tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ lũ chồng lũ:
Công điện nêu rõ, từ ngày 25 tháng 9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
- Khẩn trương rà soát, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm:
Thủ tướng lưu ý Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.
Kịp thời hỗ trợ lượng thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.
Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu.
Kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút.
Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Kịp thời thông tin cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới? (Hình từ internet)
Thiên tai là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020, quy định:
Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai là gì?
Căn cứ tại Điều 4 Luật Phòng chống thiên tai 2013, quy định các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai gồm có như sau:
- Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
- Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
- Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.
- Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường đào tạo bồi dưỡng là gì? Trường đào tạo bồi dưỡng của cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ gì?
- Mẫu biên bản làm rõ hồ sơ dự thầu mới nhất là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản làm rõ hồ sơ dự thầu mới nhất ở đâu?
- 02 trường hợp không được gia nhập Hội công chứng viên? Hội viên Hội công chứng viên gồm những ai?
- Tố tụng dân sự là gì? Quy định về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự?
- Mẫu tờ trình đề nghị cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mới nhất? Tải về ở đâu?