Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Nghị định 181 như thế nào?
Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Nghị định 181 như thế nào?
Dưới đây là thông tin về thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ:
Căn cứ Điều 14 Nghị định 181/2024/NĐ-CP quy định về thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ như sau:
(1) Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ, bao gồm:
- Giấy đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 181/2024/NĐ-CP;
- danh sách người đề nghị được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 181/2024/NĐ-CP;
- 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ;
- tài liệu huấn luyện chi tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 181/2024/NĐ-CP;
- bản sao bằng cấp chứng minh việc đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2024/NĐ-CP;
(2) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định 181/2024/NĐ-CP phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho tổ chức đề nghị;
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định 181/2024/NĐ-CP phải tổ chức kiểm tra.
Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 13 Nghị định 181/2024/NĐ-CP; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên.
(4) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định 181/2024/NĐ-CP thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 181/2024/NĐ-CP.
(5) Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ
- Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được cấp lại trong các trường hợp sau: Bị mất; hư hỏng; có sự thay đổi thông tin ghi trên giấy chứng nhận huấn luyện;
- Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được cấp lại có thời hạn hiệu lực như giấy chứng nhận huấn luyện đã cấp trước đó;
- Hồ sơ đề nghị cấp lại: Giấy đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 181/2024/NĐ-CP; 02 ảnh (3x4 cm) và danh sách đối tượng cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định 181/2024/NĐ-CP cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(6) Hồ sơ quy định tại khoản 1, điểm c khoản 5 Điều 14 Nghị định 181/2024/NĐ-CP nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất thuốc nổ đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Sở Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Nghị định 181/2024/NĐ-CP.
(7) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ có hiệu lực trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Nghị định 181 như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ gồm những gì?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 181/2024/NĐ-CP quy định về nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ bao gồm:
- Yêu cầu về an toàn khi tiếp xúc với tiền chất thuốc nổ.
- Quy định của pháp luật về bảo quản tiền chất thuốc nổ: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy kho bảo quản tiền chất thuốc nổ; các quy định về chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản tiền chất thuốc nổ.
- Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng thử nghiệm, kiểm tra, biện pháp bảo đảm chất lượng tiền chất thuốc nổ; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn tiền chất thuốc nổ.
- Cách sắp xếp, bảo quản tiền chất thuốc nổ; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, vận chuyển tiền chất thuốc nổ trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển.
- Quy trình xuất, nhập, thống kê tiền chất thuốc nổ.
- Trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ.
Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 181/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ như sau:
(1) Tổ chức, doanh nghiệp quản lý tiền chất thuốc nổ có trách nhiệm:
- Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ theo nội dung quy định tại Điều 12 Nghị định 181/2024/NĐ-CP và phù hợp với tình hình bảo quản tiền chất thuốc nổ của tổ chức;
- Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2024/NĐ-CP;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Nghị định 181/2024/NĐ-CP kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;
- Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;
- Căn cứ tình hình sản xuất, tổ chức, doanh nghiệp có bảo quản tiền chất thuốc nổ có thể kết hợp tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ với huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
(2) Người huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ phải có trình độ đại học trở lên và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ, an toàn hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liền kề trở lên hoặc làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, hóa chất từ 03 năm liền kề trở lên; có kiến thức pháp luật về tiền chất thuốc nổ.
(3) Hình thức huấn luyện
- Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 181/2024/NĐ-CP phải được huấn luyện trước khi được giao quản lý kho bảo quản tiền chất thuốc nổ. Thời gian huấn luyện ít nhất là 12 giờ;
- Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 181/2024/NĐ-CP được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;
- Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 181/2024/NĐ-CP phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp Mẫu Giấy ủy quyền họp Đại hội đồng cổ đông mới nhất? Tải về giấy ủy quyền tham dự cuộc họp?
- Mẫu đơn mua cổ phần đối với cá nhân thuộc hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần?
- Mẫu đơn yêu cầu sửa đổi bổ sung nội dung hợp đồng lao động dành cho người lao động? Tải mẫu tại đâu?
- Việc trả nợ vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt được thực hiện theo phương thức nào?
- Tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội năm 2025? Tiêu chuẩn của sĩ quan quân đội hiện nay được quy định như thế nào?