Thời gian xử lý đơn đề nghị miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là bao lâu?
- Các trường hợp nào được miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
- Sau bao lâu nộp đơn đề nghị miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính vào đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được biết kết quả?
- Nội dung Quyết định về việc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính gồm gì?
Các trường hợp nào được miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
Căn cứ quy định khoản 1 Điều 111 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 một số cụm từ được thay thể bởi điểm g khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;
b) Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.
2. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;
b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;
c) Đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.
3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ; trong trường hợp cần thiết thì đề nghị cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị có ý kiến trước khi quyết định.
Quyết định miễn hoặc hoãn chấp hành phải được gửi cho cơ quan thi hành quyết định, người phải chấp hành quyết định; trường hợp người chưa thành niên được hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng thì quyết định được gửi cho cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Theo đó, các trường hợp được miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính vào đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
- Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;
- Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;
- Đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.
Thời gian xử lý đơn đề nghị miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là bao lâu? (Hình từ Internet)
Sau bao lâu nộp đơn đề nghị miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính vào đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được biết kết quả?
Theo quy định khoản 2, khoản 3, khoản 6 Điều 27 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 quy định về thời hạn nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính như sau:
Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền nộp đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo được nộp trực tiếp tại Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; gửi theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, người đã đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Tòa án đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp, người đã đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có ý kiến bằng văn bản trước khi ra quyết định.
...
6. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Viện kiểm sát cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phải chấp hành cư trú trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tài liệu kèm theo thì Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định miễn hoặc không miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Và trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định nếu không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định thì người đề nghị được nhận quyết định này.
Nội dung Quyết định về việc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính gồm gì?
Tại khoản 5 Điều 27 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 quy định về nội dung Quyết định về việc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính như sau:
- Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Tên Tòa án ra quyết định;
- Họ và tên Thẩm phán;
- Họ và tên của người có đơn đề nghị;
- Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có), nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của họ (nếu có);
- Lý do, căn cứ ra quyết định;
- Quyết định của Thẩm phán về việc cho miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;
- Quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định;
- Hiệu lực của quyết định;
- Nơi nhận quyết định.
Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo Nghị định 06 gồm những gì? Thời hạn lưu trữ hồ sơ?
- Cục cảnh sát giao thông có tiếp nhận vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông xác minh, điều tra, giải quyết không?
- Dự toán và phương pháp xác định chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị theo Thông tư 12/2024 thế nào?
- 03 trường hợp phải thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cơ sở? Hội đồng an toàn vệ sinh lao động có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Chủ chương trình và Ban quản lý chương trình dự án đầu tư công có trách nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng như thế nào?