Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình là tháng mấy? Xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào?
Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình là tháng mấy?
Hiện hành, căn cứ Điều 1 Quyết định 363/QĐ-TTg năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có quy định lấy tháng 6 hằng năm là “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”. Trong tháng này chủ yếu tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính là:
- Thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc.
- Biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật hóa nội dung này, mới nhất tại Điều 7 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định như sau:
Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình
1. Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và tôn vinh giá trị gia đình.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, tháng 6 hằng năm được chọn làm tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. Và quy định mới này cũng đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình là tháng mấy? Xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào? (Hình từ Internet)
Có phải nhà nước khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình hay không?
Căn cứ Điều 6 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định chính sách của Nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình như sau:
- Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình tư vấn xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
- Khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia đình.
- Biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình; có chế độ hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
- Hỗ trợ việc bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, hiện nay nhà nước đã và đang khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc truyền thông, giáo dục về phòng ngừa bạo lực gia đình hướng đến mục đích và phải đảm bảo yêu cầu gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử, góp phần xóa bỏ bạo lực gia đình.
Đồng thời căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Thường xuyên, chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;
- Phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Chú trọng thay đổi hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới;
- Bình đẳng giới, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị bạo lực gia đình và những người có liên quan;
- Bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân gồm những hình phạt nào? Hình phạt cao nhất là gì?