Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp theo hướng dẫn mới nhất tại Thông tư 03/2023/TT-TANDTC như thế nào?
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp theo hướng dẫn mới nhất tại Thông tư 03/2023/TT-TANDTC như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp được hướng dẫn như sau:
(1) Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà đối tượng khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có cấp bậc quân hàm từ Trung tá trở xuống hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc quân hàm cao nhất từ Trung tá trở xuống.
(2) Tòa án quân sự quân khu và tương đương có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về:
- Các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự khu vực;
- Có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
Theo đó, bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài được xác định như sau:
+ Bị cáo, bị hại, đương sự là người nước ngoài định cư, không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;
+ Bị cáo, bị hại, đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;
+ Bị cáo, bị hại, đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng đang ở nước ngoài vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;
+ Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án;
+ Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án.
- Các tội phạm mà đối tượng khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có cấp bậc quân hàm từ Thượng tá trở lên hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc quân hàm cao nhất từ Thượng tá trở lên;
- Các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Ngoài ra, quy định về chức vụ tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC được xác định theo quy định của pháp luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, pháp luật có liên quan và quy định của Bộ Quốc phòng.
Quy định về cấp bậc quân hàm tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC bao gồm cấp bậc quân hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp theo hướng dẫn mới nhất tại Thông tư 03/2023/TT-TANDTC như thế nào? (Hình từ Internet)
Tòa án quân khu được tổ chức như thế nào theo quy định hiện hành?
Tại Điều 55 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự quân khu và tương đương như sau:
- Cơ cấu, tổ chức của Tòa án quân sự quân khu và tương đương gồm:
+ Ủy ban Thẩm phán;
+ Bộ máy giúp việc.
- Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 571/NQ-UBTVQH14 thì tổ chức tòa án quân khu hiện nay như sau:
Thành lập 09 Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên cơ sở các Tòa án quân sự quân khu và tương đương hiện hành:
- Tòa án quân sự Quân khu 1;
- Tòa án quân sự Quân khu 2;
- Tòa án quân sự Quân khu 3;
- Tòa án quân sự Quân khu 4;
- Tòa án quân sự Quân khu 5;
- Tòa án quân sự Quân khu 7;
- Tòa án quân sự Quân khu 9;
- Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội;
- Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Tại Điều 57 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định về Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương như sau:
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương gồm Chánh án, Phó Chánh án và một số Thẩm phán. Số lượng thành viên của Ủy ban Thẩm phán do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
Phiên họp Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chánh án chủ trì.
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương có nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Thảo luận về việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Tòa án quân sự quân khu và tương đương;
+ Thảo luận báo cáo công tác của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương với Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng;
+ Tổng kết kinh nghiệm xét xử;
+ Thảo luận về kiến nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương đề nghị Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo yêu cầu của Chánh án.
Thông tư 03/2023/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?