Số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em là gì? 04 chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2022?
Số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em là gì? Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em có các nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em như sau:
Nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
2. Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại.
3. Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.
4. Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
5. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.
6. Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
7. Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.
8. Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em.
Như vậy, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em) thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tiếp nhận thông tin, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ, tư vấn các vấn đề liên quan đến trẻ em và các vấn đề khác được đề cập theo quy định trên.
Hiện nay, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em có đường dây nóng là 111 (do Cục trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý).
Số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em là gì? 04 chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2022? (Hình từ internet)
Thời gian hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em?
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em, điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em như sau:
Điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
2. Được sử dụng số điện thoại ngắn 03 số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.
3. Được tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; được quảng bá số điện thoại và các dịch vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
04 chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em như sau:
* Chính sách chăm sóc sức khỏe
- Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Nhà nước trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
* Chính sách trợ giúp xã hội
- Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; hỗ trợ chi phí mai táng và chế độ trợ cấp, trợ giúp khác cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.
- Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định này.
* Chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp
- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
* Chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác
- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định tại Điều 48, 49, 50 Luật trẻ em.
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tuân thủ nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em quy định tại Điều 5 Luật trẻ em 2016 và các yêu cầu bảo vệ trẻ em quy định tại Điều 47 Luật trẻ em 2016.
- Độ tuổi, định mức, thời hạn, phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định trong pháp luật về các lĩnh vực có liên quan phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?