Sắp tới, người tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có được đề nghị giám định sức khỏe khi nhận thấy kết quả khám trước đó bị nhầm lẫn không?
Thế nào là giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Dự thảo Thông tư Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định về giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự cụ thể như sau:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
6. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ để khám, kết luận về tình trạng sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển, xét tuyển vào các trường quân đội và quân nhân dự bị trong trường hợp có khiếu nại."
Có được giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi nhận thấy kết quả khám sức khỏe trước đó bị nhầm lẫn không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Dự thảo Thông tư Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định và giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự cụ thể như sau:
"Điều 7. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có các khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đề nghị.
2. Yêu cầu giám định: Giám định tình trạng bệnh tật theo đề nghị của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện; kết luận giám định phải xác định rõ tình trạng bệnh tật và phân loại sức khỏe theo Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trong vòng 7-10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị giám định sức khỏe, Hội đồng giám định y khoa tỉnh phải có kết luận giám định sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và gửi hồ sơ, kết quả giám định cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.
4. Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự."
Như vậy, đối với trường hợp của bạn thì bạn hoàn toàn có thể khiếu nại để được giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi bạn nhận thấy kết quả bạn nhận được là không đúng. Khi Hội đồng y khoa nhận được kết quả giám định của bạn thì trong vòng từ 7 đến 10 ngày bạn sẽ nhận được kết quả giám định.
Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự để thực hiện nghĩa vụ quân sự như thế nào?
Tại Điều 8 Dự thảo Thông tư Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định về phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự để thực hiện nghĩa vụ quân sự cụ thẻ như sau:
(1) Căn cứ phân loại sức khỏe
Theo tiêu chuẩn sức khỏe tại Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
(2) Cách cho điểm
Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1 - 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:
- Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;
- Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;
- Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;
- Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;
- Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;
- Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
(3) Cách ghi phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự
- Mỗi chuyên khoa, sau khi khám xét, bác sỹ sẽ ghi điểm cao nhất ở các nội dung khám vào cột “Điểm”; ở cột “Lý do” phải ghi tóm tắt lý do cho số điểm đó; ở cột “Ký”, bác sỹ khám phải ký và ghi rõ họ tên;
- Phần kết luận, Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe căn cứ vào điểm đã cho ở từng chỉ tiêu để kết luận, phân loại sức khỏe theo đúng quy định, ghi bằng số và chữ (phần bằng chữ để ở trong ngoặc đơn);
- Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe có trách nhiệm ký vào phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự sau khi kết luận;
- Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe được đóng dấu của cơ quan Chủ tịch Hội đồng; chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám phúc tra sức khỏe được đóng dấu của đơn vị quyết định thành lập Hội đồng khám phúc tra sức khỏe.
(4) Cách phân loại sức khỏe
Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:
- Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;
- Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;
- Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;
- Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;
- Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;
- Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
(5) Một số điểm cần chú ý
- Trường hợp đang mắc bệnh cấp tính, bệnh có thể thuyên giảm hay tăng lên sau một thời gian hoặc sau điều trị, thì điểm đó phải kèm theo chữ “T” bên cạnh (nghĩa là “tạm thời”). Người khám phải ghi tóm tắt bằng tiếng Việt tên bệnh bên cạnh (có thể ghi bằng danh từ quốc tế giữa hai ngoặc đơn). Khi kết luận, nếu chữ “T” ở chỉ tiêu có điểm lớn nhất, phải viết chữ “T” vào phần phân loại sức khỏe;
- Trường hợp nghi ngờ chưa thể cho điểm ngay được, Hội đồng khám sức khỏe có thể gửi công dân tới khám tại một bệnh viện để kết luận chính xác hơn;
- Trường hợp chưa kết luận được thì gửi công dân đó đến bệnh viện gần nhất để khám chuyên khoa và kết luận chẩn đoán. Thời gian tối đa từ 7 - 10 ngày phải có kết luận và chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết;
- Những trường hợp phiếu sức khỏe có ghi chữ “T”, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến các cơ sở y tế để điều trị.
- Trường hợp công dân mắc bệnh tật chưa được phân loại trong Bảng số 2 thì Hội đồng khám sức khỏe thực hiện thảo luận tập thể, đánh giá đầy đủ, toàn diện chức năng cơ quan bị bệnh tật; khả năng sinh hoạt, lao động; tiên lượng mức độ tiến triển bệnh tật để kết luận phân loại sức khỏe phù hợp.
Trên đây là một số thông tin liên quan tới sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?