Rủi ro khi cho mượn căn cước công dân là gì? Có bị phạt tiền khi cho mượn căn cước công dân không?
Rủi ro khi cho mượn căn cước công dân là gì?
Theo quy định của pháp luật, sử dụng Căn cước công dân của người khác là hành vi không được phép. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có đề cập như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;
c) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Theo đó, việc sử dụng Căn cước công dân của người khác có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời, trong trường hợp mượn căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm.
Nếu hành vi mượn, sử dụng căn cước công dân nêu trên được thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt áp dụng sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều trường hợp mượn căn cước công dân hoặc nhờ chụp căn cước công dân với nhiều mục đích khác nhau.
Việc làm này ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người cho mượn căn cước công dân. Trong đó, các đối tượng mượn căn cước công dân có thể sử dụng với những mục đích tiêu cực sau:
- Tạo tài khoản ngân hàng ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền;
- Vay tiền;
- Làm giả hợp đồng, lập công ty ma để trốn thuế, mua bán hóa đơn;
- Tham gia cá cược, đánh bạc;
- Một số trường hợp sử dụng để trốn truy nã;...
Ngoài ra, nếu không có căn cước công dân thì người cho mượn cũng sẽ có thể đối mặt việc bị phạt hành chính trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
Rủi ro khi cho mượn căn cước công dân là gì? Có bị phạt tiền khi cho mượn căn cước công dân không? (Hình từ Internet)
Có bị phạt khi cho mượn căn cước công dân không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì người cho mượn căn cước công dân cũng có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 trong trường hợp mục đích của việc cho mượn nhằm thực hiện hành vi trái với quy định pháp luật.
Trách nhiệm của công dân đối với căn cước công dân ra sao?
Trách nhiệm của công dân đối với căn cước công dân được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Căn cước công dân 2014 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
...
2. Công dân có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này;
c) Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
d) Xuất trình thẻ Căn cước công dân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật;
đ) Bảo quản, giữ gìn thẻ Căn cước công dân đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân;
e) Nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ theo quy định tại Điều 23 và Điều 28 của Luật này.
Theo đó, người dân có trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ nêu trên và chấp hành đúng theo quy định của Luật Căn cước công dân và các quy định có liên quan trong việc sử dụng căn cước công dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quỹ tiền thưởng năm 2024 theo Nghị định 73 được tính 06 tháng để chi trả cho công chức, viên chức?
- Công ty có thể ký kết hợp đồng lao động mà không thỏa thuận về các chế độ bảo hiểm xã hội với người lao động không?
- Ai là người ký hợp đồng lao động với giám đốc công ty cổ phần? Giám đốc công ty cổ phần có quyền quyết định vấn đề nào?
- Cơ sở dữ liệu về hội được kết nối ở đâu? Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội bao gồm những nguồn nào?
- Hóa đơn giá trị gia tăng được sử dụng trong các hoạt động nào? Lập hóa đơn GTGT sai thời điểm bị phạt bao nhiêu tiền?