Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực trong bao lâu? Thẩm quyền kỷ luật công chức được quy định như thế nào?
Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực trong bao lâu?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Quyết định kỷ luật công chức
...
4. Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trong thời gian này, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp công chức tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức.
Như vậy, theo quy định trên thì quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Trường hợp công chức không có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong thời gian này thì quyết định kỷ luật cán bộ, công chức sẽ chấm dứt hiệu lực.
Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực trong bao lâu? Thẩm quyền kỷ luật công chức được quy định như thế nào?
Trường hợp công chức vi phạm khi đang thi hành quyết định kỷ luật thì xử lý thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, trường hợp công chức tiếp tục có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật thì việc xử lý sẽ được thực hiện theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc xử lý kỷ luật
...
3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
a) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
b) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.
Như vậy, việc xử lý trong trường hợp công chức vi phạm khi đang thi hành quyết định kỷ luật được thực hiện như sau:
- Áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn 01 mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành nếu so với hình thức kỷ luật đang thi hành, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng:
- Áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn 01 mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới nếu so với hình thức kỷ luật đang thi hành, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn.
Thẩm quyền kỷ luật công chức được quy định như thế nào?
Tại Điều 24 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức như sau:
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức
1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.
Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.
4. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan cũ nơi công chức đã công tác tiến hành xử lý kỷ luật. Hồ sơ, quyết định xử lý kỷ luật phải được gửi về cơ quan nơi công chức đang công tác.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đã giải thể, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để cơ quan nơi công chức đang công tác thực hiện việc xử lý kỷ luật.
Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức phải được gửi về cơ quan quản lý công chức.
5. Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.
Như vậy, thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức được xác định tùy vào đối tượng công chức như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?