Quyết định hành chính là gì? Quyết định hành chính nào không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tố tụng hành chính?
Quyết định hành chính là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Theo đó, quyết định hành chính được hiểu là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành.
Nội dung của quyết định hành chính là để quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì còn khái niệm về quyết định hành chính bị kiện. Cụ thể thì quyết định hành chính bị kiện là quyết định đã được phân tích nêu trên, mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quyết định hành chính là gì? Quyết định hành chính nào không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tố tụng hành chính? (Hình từ Internet)
Quyết định hành chính nào không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tố tụng hành chính?
Căn cứ Điều 30 Luật Tố tụng Hành chính 2015 bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 có quy định như sau:
Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước
4. Khiếu kiện danh sách cử tri.
Theo đó, quyết định hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tố tụng hành chính bao gồm:
- Quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
- Quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Khiếu kiện quyết định hành chính nào thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện?
Căn cứ Điều 31 Luật Tố tụng Hành chính 2015 có quy định như sau:
Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Theo đó, khiếu kiện quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện là khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó
Trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Khiếu kiện quyết định hành chính nào thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh?
Căn cứ Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015, bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 khiếu kiện quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh bao gồm:
- Khiếu kiện quyết định hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
- Khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
- Khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
- Khiếu kiện quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú bao gồm những gì theo quy định pháp luật?
- Hệ thống thanh toán quốc tế là gì? Tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế được thành lập và hoạt động ở đâu?
- Mẫu tự đánh giá bản thân trong quá trình thử việc mới nhất? Cách viết bản tự đánh giá bản thân trong quá trình thử việc?
- Chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng ba đang được áp dụng hệ số lương viên chức loại mấy?
- Viết đoạn văn nghị luận về chuyến tham quan di tích lịch sử văn hóa ngắn gọn? Cách viết đoạn văn nghị luận về chuyến tham quan di tích lịch sử văn hóa?